(HNM) - Vùng đất xứ Đoài không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, mà còn có nhiều món ăn ngon. Ngoài chè lam Thạch Xá, tương làng Sải, kẹo lạc Đại Đồng..., từ lâu bánh tẻ Cầu Liêu (xã Thạch Xá, Thạch Thất) được truyền tụng là một trong những "đặc sản" ngon nức tiếng: "Bánh giầy quán Gánh/Bánh tẻ Cầu Liêu/Bánh đa quán Gỏi/Bánh đậu Hải Dương".
Bánh tẻ Cầu Liêu được gói bằng lá tre mai. |
Không dùng lá dong, lá chuối, bánh tẻ Cầu Liêu được gói bằng lá tre mai. Để có lá làm bánh, người dân thôn Cầu Liêu thường vào tận rừng ở khu vực Đông Xuân, Tiến Xuân để thu mua lá tre mang về làm bánh. Họ cho rằng, chỉ gói bằng lá tre mai, bánh mới toát ra mùi hương nhẹ dịu, rất riêng, mà lá dong, lá chuối không thể sánh được. Ông Nguyễn Văn Đông, 73 tuổi nhà ngay gần Cầu Liêu cho biết: Quãng hơn 100 năm về trước, khu vực Cầu Liêu vốn tập trung rất nhiều phu xe ngồi chờ khách. Họ thường ghé lại các quán ven đường để ăn quà thay cơm. Nhưng các loại bánh hòn, bánh đúc… không có vỏ bọc, nên không tiện mang theo bên người mỗi khi vội khách. Thế là, người bán hàng đã nghĩ ra cách lấy lá tre mai bọc bánh. Thời gian trôi qua, với bàn tay khéo léo, tinh tế, người Cầu Liêu dần cải tiến chất lượng, đạt đến độ thơm ngon của bánh tẻ như hiện nay. Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Xá Vũ Đình Thành, Cầu Liêu là thôn nhỏ nhất của xã, với gần 100 hộ dân. Ở thôn này, hầu như hộ nào cũng biết làm bánh tẻ. Mỗi khi nhà có công việc như cưới, hỏi, người Cầu Liêu lại chế biến vài chục cân gạo làm bánh. Đặc biệt, mỗi dịp tết đến, xuân về, ngoài các loại bánh chưng, bánh nếp, gần như gia đình nào cũng gói bánh tẻ. Bánh tẻ thường chấm với nước mắm chanh rất dễ ăn, ăn nhiều mà không bị ngấy, ăn mãi vẫn không chán. Nếu như xưa kia, bánh tẻ là món sính lễ, quà quý trong các dịp cưới hỏi, lễ tết của người dân thì nay, trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Cả thôn hiện có khoảng 10 hộ chuyên làm bánh với số lượng 30-70kg gạo/hộ/ngày.
Đến gia đình bà Nguyễn Thị Lộc, chuyên làm bánh cung cấp cho các quán ăn trong vùng Thạch Thất. Những chồng lá tre mai được bó gọn gàng, ngay ngắn trong góc nhà. Bà Lộc tâm sự: "Cụ thân sinh ra tôi trước đây làm bánh bán, đến đời tôi cũng đã gắn bó được 30 năm. Nghề làm bánh tẻ các nơi đều giống nhau, vẫn là gạo tẻ, nhân hành, mộc nhĩ, thịt băm… song bánh tẻ Cầu Liêu không giống các loại bánh khác, bởi kích cỡ to hơn, ngắn hơn, "ra bột" đặc hơn và được gói bằng lá tre mai". Hiện tại, mỗi ngày gia đình bà Lộc làm khoảng 50kg gạo, cung cấp cho thị trường 500-600 chiếc bánh. Theo bà Lộc, để có bánh ngon, quan trọng nhất là phải chọn được gạo chuẩn. Gạo làm bánh tẻ phải là gạo cũ, để qua vụ mới làm được. Sau khi ngâm nước 3-4 tiếng, gạo được xay thành bột, pha bột vừa tỷ lệ rồi khuấy đều trên bếp lửa, đến khi bột quánh lại, nửa sống, nửa chín thì đem ra gói. Nhân bánh tẻ gồm có hành hoa, thịt lợn và mộc nhĩ xào thơm… Cùng với các hộ làm bánh, ở Cầu Liêu có khá nhiều cửa hàng bán bánh tẻ phục vụ người dân trong vùng và khách thập phương. Bà Nguyễn Thị Dậu đã có 20 năm bán bánh tẻ ở Cầu Liêu bộc bạch: "So với bánh tẻ Sơn Tây, người Thạch Thất thường thích ăn bánh tẻ Cầu Liêu hơn. Mùa đông, họ thường ăn nóng, khi khói còn nghi ngút, nên tôi phải ủ bánh rất kỹ để giữ độ nóng. Còn trong tiết trời hè nóng nực, người ta sẽ ăn bánh lúc còn ấm hoặc nguội để cảm nhận hương vị nhẹ nhàng, thanh mát...".
Không chỉ là món ăn ngon, đậm đà bản sắc văn hóa, bánh tẻ Cầu Liêu còn giúp cho nhiều gia đình có cuộc sống sung túc. Nhờ nghề này mà không ít gia đình trong làng đã xây dựng được nhà cửa khang trang, to đẹp. Những ngày đầu tiên của năm mới, cùng với nhiều hộ làm bánh trong làng, gia đình bà Lộc lại tất bật với công việc làm bánh. "Những ngày này, gia đình tôi mỗi ngày làm hơn 50kg gạo, huy động cả chục người tham gia gói bánh phục vụ khách thập phương về lễ Phật, trảy hội chùa Tây Phương…" - bà Lộc vui vẻ cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.