(HNMCT) - Thơ là khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng. Thơ là sự lay gọi và cũng là tiếng vọng từ miền xa thẳm. Thơ là nỗi niềm không dứt đầy duyên nợ, vừa ràng buộc, vừa cởi bỏ một cách tự nhiên nhất, con người nhất. Thơ mang dấu ấn cá nhân và dấu ấn thời cuộc...
Không hiểu sao, khi đọc “Dạm ngõ thu vàng” - tập hợp thơ mới xuất bản đầu năm 2022 qua NXB Hội Nhà văn của nữ nhà thơ Trương Nam Chi, tôi lại nhất mực nghĩ như thế và cũng nhất mực tin như thế?
Tập thơ hấp dẫn tôi ngay từ bài đầu tiên có tên là “Chiều buông”: “Sông ơi. Biển trước mặt rồi/ Ngày tàn lụi. Đất và trời trống trơn/ Ta ngồi. Giữa đỉnh chon von/ Xòe tay đỡ những mất còn chiều rơi...”.
“Chiều buông” có cả “cảnh”, cả “tình” và cả “sự”. Một tứ thơ vô tình mà hội đủ ba yếu tố đó, thật là hiếm hoi! Biển là sự chết của sông. Trong lúc hoàng hôn đến cũng là lúc ngày đang tàn lụi, chợt có cảm giác đất và trời cũng trống huơ trống hoác như không còn gì, như không là gì. Vậy mà “giữa đỉnh chon von” ấy, khi “chiều rơi”, có một người làm cái việc “xòe tay đỡ những mất còn”...
“Xòe tay đỡ những mất còn” là cách hành xử, cũng là tâm thế của một người muốn níu giữ, muốn cứu vớt những gì còn có thể níu giữ, cứu vớt được trước quy luật khắc nghiệt của thời gian, tựa như đêm đêm, vầng trăng vẫn chống lại cô đơn bằng ánh sáng của chính vầng trăng vậy!
Rồi tiếp tục hấp dẫn tôi ở bài thơ thứ hai mang tên “An nhiên”: “An trú trong hiện tại/ Quán chiều về tương lai/ Vô thường hay vô ngã/ Hoa hồng đều sắc gai!”.
Thông thường, khi diễn đạt ý, người ta thường đi từ diễn dịch đến quy nạp. Trong “An nhiên”, tác giả làm ngược lại. Sự quy nạp xuất hiện từ hai câu đầu: “An trú trong hiện tại/ Quán chiều về tương lai”, và sự diễn dịch xuất hiện ở hai câu cuối: “Vô thường hay vô ngã/ Hoa hồng đều sắc gai!”. “Hoa hồng đều sắc gai” là bản chất của hiện tượng và cũng có thể là bản chất không thay đổi, chắc chắn là không của riêng hoa hồng.
Nhân đọc “An nhiên” và qua “An nhiên”, tôi tin thơ Trương Nam Chi là thơ của một người có tu tập, một người luôn hướng mình theo tinh thần thiền, ánh sáng thiền. Hãy đọc những câu thơ dưới đây để hiểu người thơ Trương Nam Chi một cách hệ thống hơn, đầy đủ hơn.
Đây là những chi tiết thơ, đơn vị thơ minh chứng cho ý này: “Vô minh ngạo nghễ qua bờ giác/ Ta bà vây thành quách lâu đài/ Ngũ hành luận tương sinh tương khắc/ Nghiệp dẫn người đi phía an bài” trong “Nghiệp dẫn người đi”; “Tóc xanh mắt ướt đen tuyền/ Cánh buồm bát nhã lái thuyền liêu trai” trong “Thuyền liêu trai”; “Tiếng chuông xa thức tỉnh mình/ Ấm trà sóng sánh trước bình minh trong/ Màn trời vén bức hư không/ Mây trôi an lạc ngoài song cửa chờ” trong “Thức tỉnh”; “Chúng sinh gieo giấc thiện lành/ Nụ hoa giác ngộ hóa thành đài sen” trong “Chữa lành”...
Trương Nam Chi luôn là người “Thương yêu tận đáy tim mình” (“Lời cảm ơn”); trong lòng lúc nào cũng không yên trước đại dịch Covid với một nỗi lo thường trực: “Trái đất này, còn sức trụ nổi không?” (“Thế giới này, cuộc sống thật mong manh”); tình yêu con người, tình yêu quê hương, tình yêu nguồn cội trong lòng chị lúc nào cũng đầy ắp: “Con như nước chảy về nguồn/ Nhớ thôi là nhớ nỗi cuồn cuộn quê” (“Đường về miền Tây”); lúc nào cũng cảm thấy bước đi vô định, khó lường của cuộc đời để chấp nhận nó, sống với nó: “Thăng trầm nào có nguồn cơn/ Lòng người khó định/ Dốc trơn khó lường” (“Tháng mười”). Và, chị cũng là người luôn chịu ơn đời sống đến triệt để, hết lòng hơn ai hết: “Đắm chìm mây gió trăm năm/ Phố ơi xin tạ một mâm lạy đầy...” (“Hơi thở phố”).
Sau chót, tên tập thơ này của nhà thơ Trương thật thơ và cũng thật lạ. Có xuất phát và gợi ý từ một cặp lục bát thật hay trong “Ai xui ai khiến?”: “Thu vàng dạm ngõ đằng xa/ Heo may diện kiến lá đa sân chùa”.
Hy vọng bài viết ngắn này, ở một chừng mực nào đó, cũng mới chỉ đạt đến sự diện kiến thơ Trương Nam Chi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.