Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng mọi người

Trần Thái Bình (Nhà nghiên cứu lịch sử)| 05/10/2013 18:45

Một trong những người học trò xuất sắc nhất của lãnh tụ Hồ Chí Minh, mà tên tuổi luôn luôn được gắn với Bác, chính là Đại tướng-Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Kiên trì lý tưởng vì Dân vì Nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ đặt lợi ích của toàn dân lên trên hết, không bao giờ bợn chút cá nhân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ trường tồn trong lòng nhân dân.

Với các lực lượng vũ trang, không bao giờ quên người Anh Cả của toàn quân, từ 69 năm trước trong khu rừng Trần Hưng Đạo đã đứng lên thành lập đơn vị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, để rồi sau đó trực tiếp cầm quân đánh thắng tất cả các đạo quân xâm lược, từ chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 đến giải phóng quần đảo Trường Sa ngay nửa tháng trước ngày giải phóng Sài Gòn, thu cả non sông về một mối, để cho quân dân ta ngày nay tiếp tục nắm chắc tay súng, bảo vệ hòa bình, gìn giữ di sản toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Các lực lượng an ninh ta ngày nay không bao giờ quên những bài học quý báu lãnh đạo đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập nước, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra sức bảo vệ cách mạng chống thù trong giặc ngoài, trước khi nước ta phải bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.

Giai cấp công nhân Việt Nam không bao giờ quên nhà báo trẻ Võ Nguyên Giáp từ những năm 30 của thế kỷ trước đã đạp xe đạp một mạch từ Hà Nội ra vùng mỏ Quảng Ninh để điều tra, viết bài ủng hộ công nhân mỏ than đình công chống bóc lột của chủ mỏ.

Giai cấp nông dân Việt Nam không thể nào quên cuốn sách “Vấn đề dân cày” mà Đại tướng viết chung với đồng chí Trường Chinh với bút danh Vân Đình và Qua Ninh, một cuốn sách nghiên cứu sâu về tình cảnh dân cày và hoàn cảnh ruộng đất lúc ấy, đưa ra giải pháp phải thực hiện chế độ người cày có ruộng. Đến thời hòa bình lập lại, sau những năm 1950, tuy còn bộn bề công tác quân sự, nhưng Đại tướng vẫn suy nghĩ nhiều đến nông dân, nông nghiệp và đã đề xuất những chương trình đưa khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao năng suất, cải thiện đời sống của nông dân.

Ngư dân Việt Nam không thể nào quên những năm 1977, sau khi đi thăm các đảo Côn Lôn, Thổ Chu, Cô Tô và hai tỉnh duyên hải Phú Yên-Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập hội nghị lần thứ nhất về biển, đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển, đồng thời từ những chuyến đi thực tế, xây dựng được một kế hoạch đổi mới cơ chế kinh tế, không để ngư dân làm ăn đơn độc, riêng lẻ gặp khó khăn không biết gỡ, lần đầu tiên đưa ra đường lối cơ cấu một nền kinh tế nhiều thành phần, không chỉ có quốc doanh mà còn có kinh tế hợp tác xã và kinh tế tư nhân.

Đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước không thể nào quên những kỷ niệm Đại tướng cùng với Bác Hồ và các lãnh tụ đã sống trong sự đùm bọc thân thương của đồng bào, không thể nào quên "Anh Văn", nói sõi tiếng dân tộc của đồng bào, đã viết Việt Minh ngũ tự kinh giải thích bằng văn thơ tiếng dân tộc nhiệm vụ cứu nước trong thời kỳ cách mạng còn đang trong trứng nước. Đồng bào Cao Bằng không thể quên lời chân thành của Đại tướng nói: “Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi”. Đồng bào Điện Biên ở khu di tích Mường Phăng mãi mãi gọi ngọn đồi chỉ huy sở của Chiến dịch Điện Biên là “Đồi Đại tướng”.

Các nhà trí thức Việt Nam không thể quên những hoạt động của Đại tướng khi được phân công phụ trách khoa học kỹ thuật, đã thành lập nhóm nghiên cứu về cách mạng khoa học kỹ thuật thế giới và thực trạng công nghệ hiện có ở Việt Nam, để đưa lực lượng khoa học trong nước gắn với lực lượng sản xuất, thành một động lực mới đẩy mạnh kinh tế quốc dân, hiện đại hóa nông nghiệp, và trên cơ sở ấy thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Thanh niên và sinh viên, học sinh toàn quốc không thể nào quên những suy nghĩ của Đại tướng đề xuất về một chiến lược đổi mới giáo dục, đã in thành sách “Mấy vấn đề về khoa học và giáo dục”. Đại tướng cũng là người đã đề ra sáng kiến lập ra giải thưởng Vifotec để khen thưởng những sáng tạo thành công của giới trẻ ở các ngành công nghệ và kỹ thuật.

Các doanh nhân Việt Nam không thể nào quên Đại tướng đã mệnh danh các doanh nhân hiện nay như những “chiến sỹ trên thương trường” và đã cổ vũ lấy ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam để khích lệ tinh thần dân tộc ở các doanh nhân Việt Nam khi hội nhập với thế giới.

Bà con kiều bào ta ở nước ngoài không thể nào quên tấm gương suốt đời vì nước của Đại tướng, không thể nào quên tư tưởng coi kiều bào như một bộ phận không thể tách rời với đất nước và tình cảm thân thiết với các cháu từ nước ngoài về dự trại hè trong nước đã đến thăm Đại tướng trong chuyến trở về dự trại hè đầu tiên.

Bạn bè quốc tế, kể cả những người có dính líu đến chiến tranh Việt Nam trước, cũng không thể quên nhân cách chính trị và nhân cách văn hóa của vị nhân tướng Việt Nam, vị tướng của Hòa bình, đã tranh đấu cho Hòa bình, Tự do và tình Hữu nghị giữa các dân tộc. Tình cảm bền chặt của những Patti, Thomas, Mac Shin, Clinton (ở Bắc Mỹ), của Fidel Castro (ở Trung Mỹ), của Hugo Chavez và nhiều nguyên thủ ở Nam Mỹ và châu Phi từ tình cảm gắn bó với Đại tướng đã trở thành những nhịp cầu liên kết toàn thế giới với Việt Nam.

Nhân dân thế giới cũng đã coi Đại tướng như bạn thân của mình. Không thể quên tình cảm thân thiết của người nữ nhạc sỹ đồng quê, bà Nancy Griffith năm 2006 đến Hà Nội, vào thăm Đại tướng ở nhà riêng, đã từng sáng tác nhiều bài hát phản đối chiến tranh để tự trình bày ở khắp nơi trên đất Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng mọi người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.