(HNMO) - Chiều 25-5, phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nhận được nhiều tranh luận của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình |
Nông nghiệp có 2 cái nhất
Theo sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chiều nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng nêu, nông nghiệp giai đoạn vừa qua đứng trước 2 cái nhất. Thứ nhất là thách thức lớn nhất với 3 yếu tố cụ thể: Nông nghiệp phải tiến lên hiện đại từ một nền nông nghiệp hộ nhỏ lẻ phân tán; biến đổi khí hậu lớn nhất của nhân loại và hội nhập quốc tế sâu rộng lớn nhất.
Thứ hai là ngành Nông nghiệp đón nhận sự ủng hộ quan tâm đồng bộ, chỉ đạo xuyên suốt nhất của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các thành phần kinh tế và toàn dân. Chính điều này tạo ra sự lan tỏa.
Vị "tư lệnh" ngành Nông nghiệp nêu hàng loạt dẫn chứng như trong 2 năm qua, số lượng doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp tăng từ con số 3.700 lên thành 7.620, cùng với 12.000 HTX và 33.000 hộ trang trại đã tạo nên kết quả ban đầu quan trọng, có tính chất tiền đề. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 4,05%, là tốc độ tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay.
Xuất khẩu nông sản được mở rộng tới 180 nước với nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... Giá trị tuyệt đối của nông sản tăng (dự báo năm 2018 có thể vượt 40 tỷ USD). 3 nhóm sản phẩm trong nội dung tái cơ cấu quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm cấp làng xã đang cơ cấu theo hướng tổ chức lại theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao đang đi đúng hướng.
Thừa nhận một số khó khăn, tồn tại trong tái cơ khó khăn khi tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện đại như nhiều đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu cụ thể: Tính liên kết trong sản xuất, trong sản phẩm còn yếu; chế biến chưa tương xứng với sức sản xuất nên có lúc sản phẩm bị dư thừa do thời vụ, khi có biến động thị trường thế giới; quản lý nhà nước nhiều mặt còn bất cập từ vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, khâu tổ chức sản xuất và kiểm soát, lưu thông hàng hóa; xuất khẩu nhiều nhưng thị trường bấp bênh, chưa ổn định, chưa có hương hiệu...
"Tư lệnh" ngành ở đâu trong vụ "cà phê pin"?
Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 25-5 |
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chí Minh) tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc "chưa thấy vai của tư lệnh ngành trong bảo hộ cho người nông dân trong sản xuất".
Đại biểu lấy dẫn chứng vụ trộn phế phẩm cà phê nhuộm pin vào tiêu xảy ra tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đăk Nông).
Ngày 15-4, sau khi vụ việc tràn lan trên báo chí, nhiều hãng thông tấn lớn trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin, nhưng mãi đến ngày 26-4, Chánh Văn phòng tỉnh Đăk Nông mới khẳng định hỗn hợp thu giữ không dùng để sản xuất cà phê.
"Trong suốt 10 ngày đó người nông dân rất lao đao. Tư lệnh ngành Nông nghiệp, Bộ Công Thương đâu, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng đâu? Cà phê của Việt Nam xuất khẩu đứng thứ hai trong các mặt hàng nông sản. Phải khẳng định cà phê của chúng ta là tốt, tiêu của chúng ta là tốt, nếu im lặng sẽ gây hoang mang.
Trong phần trả lời của Bộ trưởng với bức tranh về nông nghiệp đưa ra hết sức sáng, cũng có đánh giá chưa sáng ở một số khó khăn, tồn tại nhưng qua sự việc xảy ra cụ thể không thấy tư lệnh ngành, đơn vị bảo vệ người tiêu dùng và bảo hộ hàng trong nước ở đâu để khẳng định nông sản Việt Nam là tốt", đại biểu Bích Châu nêu.
Trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) trong tranh luận của mình đã mong Bộ trưởng nhìn nhận thẳng thắn hơn, ai là người được thụ hưởng những giá trị gia tăng của nông nghiệp. Liệu đó có phải người nông dân không?
“Năm 2011, năng suất lao động của người nông dân trong cả nước tương đương 40%, nhưng năm 2017, năng suất lao động của nông nghiệp chỉ khoảng 38%. Cho nên tôi mong Bộ trưởng hết sức lưu ý đến chi phí trung gian đã "ăn hết" của người nông dân", đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.
Đại biểu cũng mong Bộ trưởng lưu ý đến điểm này trong quá trình tái cơ cấu lại nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng, thậm chí rà soát lại các quy hoạch đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hay các quy hoạch các khu vực khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.