Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội kiến nghị về việc đầu tư còn dàn trải

Bảo Hân| 29/10/2018 13:12

(HNMO) - Thảo luận tại hội trường sáng 29-10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn Hà Nội đã tập trung phân tích về những hạn chế, thách thức trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, cũng như đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể.

Ngày 29-10, Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Công bằng không có nghĩa là cào bằng

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai


Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm qua cho thấy đổi mới trong lĩnh vực này là cần thiết, đúng đắn.

Bên cạnh những kết quả đạt được nhờ nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra 2 hạn chế, thách thức trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Trước hết là tính dàn trải trong thực hiện kế hoạch đầu tư công - một cụm từ "dường như trở nên quen thuộc" mỗi khi đánh giá về thực hiện kế hoạch đầu tư công. Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn đề cập đó là một hạn chế lớn cần vượt qua.

Bà Mai phân tích, tổng mức đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tương đương với số vốn này thì số dự án của chúng ta là không nhỏ, với 9.620 dự án. Hiện nay ở rất nhiều địa phương, số lượng các dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều địa phương.

Đặc biệt với nguồn trái phiếu chính phủ, mỗi tỉnh, thành phố được phân bổ một dự án trong số 260.000 tỷ đồng. "So sánh với kinh nghiệm của nhiều nước thì số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta thực sự rất lớn và cũng hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành phố có một dự án" - nữ đại biểu Đoàn Hà Nội nhận định.

Đại biểu cũng dẫn kinh nghiệm các nước cho thấy nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào các dự án có tác động lan toả, có tính tác động toàn xã hội. Ví dụ như ở Australia năm 2018, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ tập trung cho 4 dự án lớn… Ở Hàn Quốc, trong số 20 dự án cao tốc, có tới 15 dự án được đầu tư bởi các thành phần kinh tế tư nhân. Còn ở Việt Nam, nếu chia một cách cơ học, lấy tổng số nguồn lực chia cho các dự án thì thấy rằng mong muốn để có được dự án quy mô lớn thực sự rất khó khăn.

"Qua giám sát thực tế tại các địa phương, lắng nghe ý kiến của các ĐBQH, tôi cảm nhận rằng những mong muốn của các địa phương là chính đáng. Nhu cầu là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi ngày một tăng thì bắt buộc chúng ta phải có sự lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải" - bà Mai nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng, công bằng là nguyên tắc quan trọng được đề cập trong hầu hết các nghị quyết phân bổ ngân sách. Tuy nhiên công bằng không có nghĩa là cào bằng; có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số dự án, một số địa phương được chú trọng, mà thực sự cần có một trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết từng thời điểm, có lộ trình thích hợp để dần dần hoàn thiện bức tranh đầu tư công.

Nêu ra một số giải pháp, bà Mai nhấn mạnh trước hết phải cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực, theo đó cần tuân thủ trật tự ưu tiên được quy định ở các văn bản pháp luật.

Bà Mai cũng lưu ý cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư ở những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư, không muốn đầu tư hay không được phép đầu tư.

ĐBQH - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm


Thống nhất với đề xuất của Ủy ban Tài chính Ngân sách là Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng chung, đại biểu - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu đề nghị nên ưu tiên đầu tư phân bổ nguồn dự phòng cho những dự án cấp bách.

"Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về 6 nhóm ưu tiên, đều là những yêu cầu đúng và cần nhưng nên xem xét lại thứ tự ưu tiên. Trước nhất, Chính phủ cần ưu tiên cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục thiên tai, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Đây là vấn đề toàn cầu diễn ra trong phạm vi cả nước, không chỉ tác động đến yêu cầu bền vững trong sự phát triển mà còn trực tiếp đến đời sống nhân dân" - Đại biểu nêu kiến nghị cụ thể.

Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải 

ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng thành công về kinh tế trong 3 năm qua không chỉ là tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao mà đáng mừng hơn chúng ta đã thoát ra khỏi nguy cơ khủng hoảng về trả nợ công và khủng hoảng đe doạ hệ thống tín dụng.

Hai nguy cơ này buộc Chính phủ phải áp dụng cả chính sách về tài khóa và chính sách tiền tệ theo phương thức "thắt chặt". Trong bối cảnh đó, bài học thành công là không đầu tư dàn trải. Số dự án đầu tư cả chu kỳ này chỉ bằng 50% số dự án thời kỳ trước, tập trung vào dự án dở dang, sắp hoàn thành để đưa vào sử dụng.

"Tuy nhiên, trên thực tế, nghịch cảnh trong đầu tư công vẫn xảy ra. Đó là vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải và đầu tư cho các dự án chưa giải ngân hoặc thậm chí dự án cần tiền thì không được đầu tư, dự án được đầu tư thì không có khả năng giải ngân" - Ông Cường nêu.

Cũng theo đại biểu, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần vốn, thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư trong 3 năm qua lại có xu hướng chậm dần. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng nhiều lần họp chỉ đạo quyết liệt và ra nhiều văn bản thúc đẩy nhưng tình hình không được cải thiện.

ĐBQH Hoàng Văn Cường


Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí đánh giá xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư. 

"Bởi trên thực tế chúng ta mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc để xác định lĩnh vực nào là lĩnh vực ưu tiên mà chưa có tiêu chí để phân loại xem dự án nào được đưa vào lĩnh vực ưu tiên đó và dự án nào sẽ được ưu tiên để lựa chọn xếp hạng trong danh mục đầu tư công cũng như phân bổ vốn đầu tư.

Nếu có được bộ tiêu chí thì không còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan và cũng không còn những tranh luận nên xây dựng nhà hát hay trường học, bệnh viện như vừa qua" - Đại biểu phân tích.

Nguyên nhân thứ hai khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm được đại biểu chỉ ra là do các quy định quy trình thủ tục triển khai một dự án rất phứp tạp. Do đó, Chính phủ cần quy định đơn giản hoá quy trình quản lý, triển khai các dự án đầu tư; quy định rõ trách nhiệm của những người quyết định đầu tư và công khai hóa toàn bộ hồ sơ dự án để mọi người được giám sát quá trình thực hiện dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội kiến nghị về việc đầu tư còn dàn trải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.