Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023

Tiến Thành| 27/10/2022 11:56

(HNMO) - Sáng 27-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công bằng vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận.

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên thảo luận.

Các đại biểu Đoàn Hà Nội tham dự phiên thảo luận.

Các đại biểu Đoàn Hà Nội tham dự phiên thảo luận.

Tham dự phiên thảo luận có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng…

Triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm

Phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu chưa được kiểm soát có hiệu quả, còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 đã phục hồi tích cực, đạt được những kết quả khá quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, ước khả năng đạt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việt Nam là một trong số các nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao việc phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) thảo luận.

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh), kết quả nổi bật trong năm 2022 là đại dịch được đẩy lùi, kinh tế tăng trưởng ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, xuất khẩu tăng nhanh, đời sống người dân, an sinh xã hội được bảo đảm; tuy còn khó khăn, hạn chế, nhưng ngành giáo dục, y tế cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận; công tác an ninh, quốc phòng được bảo đảm.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được bảo đảm. Tiền lương chậm được điều chỉnh là một trong những nguyên nhân xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức xin thôi việc, chuyển sang khu vực tư, nhất là trong ngành y tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, cần giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị, vật tư y tế kéo dài từ đầu đại dịch đến nay. Vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là trong ngành y tế, giáo dục nghỉ việc cũng làm cho cử tri lo lắng, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động, các dịch bệnh khác có thể bùng phát. Cùng với đó cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp bình ổn giá, khắc phục hạn chế trong điều hành giá xăng, dầu để ổn định kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.

Sớm cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TƯ

Từ những kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tăng lương cơ sở sớm hơn dự định, thay vì từ 1-7-2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1-1-2023.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái đặt vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng, lương tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng không phải là giải pháp dài hơi, mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu đề nghị, nếu năm 2023, phát triển kinh tế - xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương và đây là điều cử tri đang đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu).

“Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất chưa đủ để xóa chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực Nhà nước và lương ngoài thị trường”, đại biểu Nguyễn Huy Thái nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng đề cập đến tình trạng “lương chưa tăng thì giá cả đã nhanh chân chạy trước”. Vì vậy, tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Quang cảnh phiên họp sáng 27-10.

Để giải quyết tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đề nghị cần thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp rõ ràng cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết công việc, có cơ chế, chính sách hiệu quả để người lao động cống hiến, công bằng và minh bạch về cơ hội thăng tiến.

Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý; quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một chế độ lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc; cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Đưa ra 7 giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, việc cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Đại biểu cũng cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt, vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh năng lượng và môi trường.

Ngoài ra, cần tăng cường chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm hơn nữa đến thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y và ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông. Trong thời gian tới, cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Cuối phiên thảo luận sáng 27-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 25 đại biểu phát biểu thảo luận và 4 đại biểu phát biểu tranh luận. Phiên thảo luận sẽ được tiếp tục chiều nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.