Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặc sắc tục thờ Tản Viên Sơn Thánh

Kim Văn| 24/02/2018 08:16

(HNM) - Ba Vì là vùng đất cổ, có lịch sử, văn hóa lâu đời, bảo lưu nhiều tập quán xã hội độc đáo.


Trung tâm thờ phụng

Dựa trên truyền thuyết theo lời kể của các cao niên ở huyện Ba Vì thì Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh) có hai người em họ là Sùng Công và Hiển Công. Ba anh em mồ côi cha mẹ từ sớm, ngày ngày vào rừng kiếm củi sinh sống. Sau khi được tiên ông ban gậy thiêng và thần chú, Sơn Tinh và hai người em đã cứu giúp nhiều người, diệt trừ thú dữ… nên được nhân dân tôn làm Thần sư. Sau này, Sơn Tinh được tiên ông ban sách ước nên đã thắng Thủy Tinh và lấy được Công chúa Mỵ Nương. Sau khi đánh thắng quân Thục, Vua Hùng phong cho Sơn Tinh là Nhạc phủ Thượng đẳng thần, Hiển Công là Cao Sơn Đại vương, Sùng Công là Quý Minh Đại vương.

Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hồng Đạt


Do có công lao to lớn với dân, với nước, Tản Viên Sơn Thánh được tôn phong là vị tổ của bách thần, một trong “tứ bất tử” của thần linh nước Việt. Đến thời nhà Lý, Tản Viên Sơn Thánh được phong là “Thượng đẳng tối linh thần” và “Đệ nhất phúc thần”. Tưởng nhớ công đức của ngài, nhân dân ở nhiều địa phương đã lập đền thờ. Hiện trên địa bàn 8 huyện, thị xã của TP Hà Nội có 176 di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh, trong đó huyện Ba Vì có 100 di tích, phân bố tại các xã: Cam Thượng, Cổ Đô, Thụy An, Đông Quang, Vật Lại, Đồng Thái, Thái Hòa, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Minh Quang, Cẩm Lĩnh, Phú Sơn, Thuần Mỹ, Tòng Bạt, Sơn Đà, Phú Châu. Điều này khẳng định tục thờ Tản Viên Sơn Thánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân huyện Ba Vì.

Lễ hội tại các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh thường diễn ra vào khoảng Rằm tháng Giêng hằng năm. Di tích thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh lâu đời và tiêu biểu nhất là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (thuộc địa bàn hai xã Ba Vì và Minh Quang), đình Tây Đằng (thuộc thị trấn Tây Đằng), đình Thụy Phiêu (xã Thụy An), đình Khê Thượng (xã Sơn Đà)... Ngoài lễ vật thông thường như gà, lợn, xôi, rượu, hương hoa thì mỗi nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh trong các kỳ tiệc lớn lại có lễ vật riêng. Trong đó, lễ vật không thể thiếu là lợn hoặc gà phải có màu lông đen tuyền. Nếu lợn, gà cúng Thánh mà có sợi lông trắng thì năm đó cả làng làm ăn không may mắn... Tất cả những đồ lễ Thánh đều gợi nhớ thời kỳ săn bắt hái lượm và thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với Tản Viên Sơn Thánh...

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì luôn có phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, thủ nhang (người đại diện cho nhân dân trong vùng) sẽ đọc văn tế nhắc lại công trạng của Tản Viên Sơn Thánh trong không khí trang nghiêm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sắc phong với những mỹ hiệu tôn. Phần hội có nhiều trò diễn mang tính truyền thống thượng võ và cần cù, sáng tạo trong lao động của nhân dân, như múa lân, múa rồng, chơi đu, đánh vật, chọi gà, bơi thuyền, bắt vịt, đi cầu leo... Những hoạt động này đều nhắc lại công tích của Tản Viên Sơn Thánh trong việc dạy nhân dân làm nghề nông và luyện quân…

Tập quán hàm chứa nhiều giá trị

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội… Về giá trị lịch sử, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ tưởng nhớ tới người anh hùng văn hóa, vị thánh đứng đầu trong “tứ bất tử” của người Việt mà còn thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân.

Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh cũng góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương - Nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt. Bên cạnh đó, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, hàm chứa giá trị giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”...

Để bảo vệ di sản, những năm qua, huyện Ba Vì đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kiểm kê và lập hồ sơ khoa học “Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh” trên địa bàn huyện. Nhóm nghiên cứu của huyện Ba Vì đã phỏng vấn, ghi âm, văn bản hóa truyền thuyết, truyền miệng về Tản Viên Sơn Thánh và tập quán thờ ngài đối với hơn 30 người đang nắm giữ và thực hành tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh…

Thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung cho việc dịch, lưu trữ, bảo quản các thần phả, sắc phong, câu đối; đồng thời, nghiên cứu, tư liệu hóa truyền thuyết, thần tích và những câu chuyện về Tản Viên Sơn Thánh và các tướng lĩnh của ngài. Ngoài ra, huyện sẽ tổ chức một số cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, với cộng đồng, các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh… nhằm tăng cường sự gắn kết cộng đồng bảo vệ di sản; nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị di sản và các biện pháp bảo vệ di sản…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc tục thờ Tản Viên Sơn Thánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.