Văn hóa

Đặc sắc lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và khai mạc mùa du lịch Ba Vì

Hoàng Lân 20/02/2024 - 18:47

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2024 sẽ chính thức mở ra từ ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 23-2), tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Hạ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì.

Đây là lễ hội lớn của vùng nhằm tưởng nhớ vị thần đứng đầu trong tứ bất tử theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Năm nay, lễ khai hội còn kết hợp khai mạc mùa du lịch Ba Vì 2024.

doc-dao-le-ruoc-nuoc-tai-le-hoi-tan-vien-son-thanh.jpg
Độc đáo nghi thức rước nước tại Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (ảnh internet).

Theo truyền thuyết, Đức Thánh Tản Viên Sơn sống vào thời Hùng Duệ vương thứ 18. Ngài là hiện diện của Tam vị sơn thần: Tuấn Công, Sùng Công và Hiển Công đã được lưu truyền qua hàng ngàn đời. Tục thờ cúng Đức Thánh Tản Viên Sơn đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở Hà Nội và một số tỉnh như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Khu vực quanh núi Ba Vì (Hà Nội) là nơi phát tích và được coi là trung tâm thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh. Theo thống kê, huyện Ba Vì có số lượng di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh lớn nhất vùng với trên 100 di tích. Rõ ràng, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.

Theo truyền thống, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp xứ Đoài, trong đó tập trung tại Cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thuộc địa phận hai xã Minh Quang và xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Năm nay, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2024 được tổ chức với nhiều nội dung mới, lễ khai hội sẽ kết hợp với khai mạc mùa du lịch huyện Ba Vì.

Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ sẽ diễn ra từ đêm 13 tháng Giêng với lễ rước nước từ sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ. Trong nghi lễ này, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn đôi thiện nam - thiện nữ tài sắc vẹn toàn, nhân thân tốt. Đi theo tháp tùng là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và quần chúng nhân dân cùng khách du lịch bốn phương. Đoàn người sẽ lên thuyền ra giữa dòng sông Đà trong đêm để lấy nước, mang về bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ.

le-hoi-1-1578533300074658316639.jpeg
Hoạt động trình diễn tại Lễ khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (ảnh internet).

Sau lễ rước nước là lễ rước kiệu dâng Thánh Mẫu và phụ thân Thánh Tản (từ đền Hạ sang đền Lăng Sương) và rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ từ 5h30 đến 8h30 ngày 14 tháng Giêng. Sau khi làm lễ tại đền Lăng Sương, kiệu được rước trở về đền Hạ, xã Minh Quang. Phần lễ chính khai hội diễn ra với chương trình nghệ thuật trình diễn trống hội...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, năm nay, phần rước nước sẽ tổ chức ngắn gọn hơn, chỉ trên địa bàn huyện, không tổ chức liên vùng với huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) như năm trước, nhưng vẫn bảo đảm các nghi thức truyền thống. Phần hội sẽ gồm nhiều hoạt động phong phú, mang bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc Kinh, Dao, Mường của huyện Ba Vì như: Thi bắn nỏ, cờ tướng, bóng chuyền nam, ném còn...

Để bảo đảm công tác tổ chức lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, huyện Ba Vì đã tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, thôn, các ban quản lý di tích trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, huyện đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức trang trí khánh tiết, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự.

“Trước lễ hội, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền về Cụm di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Thượng, đền Trung, đền Hạ tại xã Minh Quang; tuyên truyền về Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh… Cũng trong dịp này, huyện Ba Vì bố trí các gian hàng chợ quê để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của địa phương. Ban Tổ chức kiên quyết không đưa vào lễ hội những trò chơi dân gian có thể bị biến tướng thành hình thức cá cược như chọi gà, phi tiêu đổi thưởng... Các trò chơi tại lễ hội chủ yếu mang tính thể thao quần chúng”, ông Nguyễn Đức Anh cho biết.

Là một trong những trung tâm du lịch ở ngoại thành Hà Nội với nhiều khu nghỉ dưỡng, du lịch như: Ao Vua, Khoang Xanh, Vườn quốc gia, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà resort..., huyện Ba Vì đang hướng đến định vị thương hiệu điểm đến của sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng của Thủ đô. Để đón du khách trong mùa du lịch Ba Vì 2024, huyện đã cho chỉnh trang cây xanh ở nhiều trục đường, các điểm check-in chụp ảnh, nâng cấp hạ tầng trong khu, điểm du lịch.

Trong ngày khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức khai mạc mùa du lịch Ba Vì 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và khai mạc mùa du lịch Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.