Quá trình tìm hiểu thực tiễn tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa..., phóng viên Báo Hànộimới được tiếp xúc với nhiều người dân, lắng nghe những câu chuyện riêng - chung từ việc chia tách, thay đổi phường, xã với bao bộn bề mừng - lo chộn rộn.
Nổi lên trong đó, không chỉ là câu chuyện của giấy tờ tùy thân hay thủ tục hành chính, mà còn chất chứa những trăn trở, băn khoăn về bản sắc văn hóa, tập quán, con người...
Bộn bề tâm tư
Chúng tôi đến xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) và được biết chính quyền địa phương đã hoàn thành lấy ý kiến cử tri; tên gọi mới sau sáp nhập là "Thạch Xá" cũng đã được thông báo rộng rãi song vẫn còn không ít người cảm thấy băn khoăn.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Chàng Sơn Nguyễn Mạnh Quân, thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Sở Nội vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy và xã đã tiến hành các bước rà soát, niêm yết công khai từ ngày 25-2 đến 26-3, để tiếp nhận ý kiến cử tri về việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính. Cuối tháng 3, đầu tháng 4-2024, xã tiến hành lấy ý kiến cử tri với 79,3% số ý kiến đồng ý đổi tên.
Trong câu chuyện băn khoăn của người dân Chàng Sơn, ông Phí Đình Thắng - một vị cao niên trong xã trải lòng: Trước kia Chàng Sơn có tên gọi là "thôn Chàng", nổi tiếng với giai thoại về cụ phó Sần cùng nhóm thợ mộc trong thôn đi "chữa đền" cho Tản Viên Sơn Thánh, trong đó “Chàng” là tên gọi của một dụng cụ làm mộc cổ ở làng. Cái chàng, cái đục đã gắn với truyền thuyết về các bậc tiền nhân ở làng như thế. Chỉ đến sau kháng chiến chống Pháp, thôn mới được đổi tên thành Chàng Sơn.
Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời, trải qua hàng nghìn năm, người dân Chàng Sơn vẫn giữ nghề và ngày càng phát triển với sản phẩm gia dụng, đặc biệt là các công trình tâm linh (đình, chùa, miếu...). Các cụ xưa đã làm đền thờ Thánh Tản Viên, chùa Tây Phương. Còn người thợ Chàng Sơn nay cũng tham gia phục chế nhiều công trình văn hóa nổi bật của Hà Nội, như: Khuê Văn Các của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Bạch Mã... Cái tên Chàng Sơn vì thế không chỉ gắn với ký ức, truyền thống, mà còn là niềm tự hào, danh xưng "định vị thương hiệu văn hóa" của người làng, người xã. Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn 2 xã Chàng Sơn bộc bạch: “Khi mới nghe thông tin về việc đổi tên xã, tôi cũng không đồng ý vì có nhiều nuối tiếc, bởi tên xã gắn liền với làng nghề truyền thống cùng bao câu chuyện gốc gác, lịch sử”.
Chia sẻ với tâm tư của người dân, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho biết, việc sắp xếp được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm đồng bộ; hạn chế gây xáo trộn trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân..., với nguyên tắc ưu tiên lấy tên trước đây và tên được lấy lại trong Dư địa chí. Trước đây, xã Thạch Xá gồm có: Chàng Sơn và Thạch Xá, đã tách ra, giờ nhập lại lấy tên gốc là Thạch Xá theo đúng Dư địa chí. Tương tự, xã Hữu Bằng và Bình Phú, trước đây là xã Quang Trung, bây giờ nhập vào, lấy lại tên cũ là xã Quang Trung. Ngoài ra, hai xã: Dị Nậu và Canh Nậu gộp thành đơn vị hành chính mới, với tên gọi là xã Lam Sơn cũng dựa trên nguyên tắc ưu tiên tên gọi cũ.
"Để người dân hiểu và đồng thuận, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, mục đích, ý nghĩa sáp nhập và đặt tên xã mới... Việc sáp nhập và theo tên mới ở Chàng Sơn cũng không thể khiến cái tên Chàng Sơn bị quên lãng bởi làng nghề vẫn theo tên cũ, không có gì thay đổi", ông Lê Minh Đức nói.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, nhiều người dân cũng băn khoăn với phương án sáp nhập một phần các xã: Văn Bình, Hà Hồi, Nguyễn Trãi và toàn bộ xã Văn Phú vào thị trấn Thường Tín, với tên mới là thị trấn Thượng Phúc, vì các địa phương đều có di tích lịch sử gắn với tên xã, tên làng. Tuy nhiên, việc sáp nhập đã được tính toán rất kỹ trên cơ sở yếu tố lịch sử, văn hóa...
Trưởng phòng Nội vụ huyện Thường Tín Lê Mạnh Cường cho rằng, địa giới hành chính liền kề nhau, có hệ thống giao thông kết nối, thuận lợi cho việc quản lý, giải quyết công việc của công dân. Sau khi sáp nhập, thị trấn Thượng Phúc có diện tích tự nhiên 4,079km2, quy mô dân số 15.166 người, trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới tại UBND thị trấn Thường Tín...
Tại quận Ba Đình, Trưởng phòng Nội vụ quận Nguyễn Mạnh Cường cho biết: "Phường Trúc Bạch sáp nhập với phường Nguyễn Trung Trực, với đại đa số cử tri đồng ý lấy tên mới là phường Trúc Bạch, song cũng có một số người cảm thấy băn khoăn. Chỉ khi tìm hiểu và nắm rõ việc chọn tên được dựa trên những yếu tố lịch sử - địa danh Trúc Bạch có từ thế kỷ 19, còn địa danh Nguyễn Trung Trực vào những năm 1978, 1979 mới xuất hiện; nếu ghép hai tên Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực thì không phù hợp... - họ mới gỡ được những vướng mắc trong lòng mà toàn tâm ủng hộ”.
Tương tự, người dân phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) ban đầu cũng có nhiều tiếc nuối khi phương án sáp nhập không còn cái tên đã từng gắn bó, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ ý nghĩa của từ Bạch Mai với nhiều yếu tố lịch sử; đáng nói làng Bạch Mai xưa rất rộng, trải dài cả một vùng, mọi người đều thấy tên gọi mới “Bạch Mai” là phù hợp hơn cả.
Trăn trở đời thường
Ngoài tên gọi của phường, xã mới, nhiều người còn băn khoăn, trăn trở về một loạt thay đổi trong giấy tờ, thủ tục hành chính. Đến xã Kim An, huyện Thanh Oai vào đầu tháng 4-2024, chúng tôi được chứng kiến câu chuyện trung tâm khắp làng trên xóm dưới là việc hợp nhất làng xã.
Ông Nguyễn Văn Long ở thôn Tràng Cát băn khoăn: “Tôi mới nắm được chủ trương của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của thành phố về sắp xếp đơn vị hành chính qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng triển khai, sắp xếp cụ thể thế nào thì chưa rõ. Như nhiều người ở địa phương, tôi cũng băn khoăn, nếu sáp nhập xã mình với một xã lân cận sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trong đó có những khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính...”.
Cũng về việc sáp nhập, Trưởng thôn 1, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) Chu Thị Liên cho biết, rất nhiều người băn khoăn về việc thay đổi giấy tờ tùy thân hay thủ tục hành chính sau này. Đặc biệt là với làng nghề, doanh nghiệp sản xuất, nhiều người đặt câu hỏi: Nếu sáp nhập sẽ phải làm lại toàn bộ các loại giấy tờ? Những thông tin liên quan đến công ty, các hợp đồng với đối tác cũng phải thay đổi?... Rồi trăn trở của hàng nghìn cán bộ, công chức, người lao động dôi dư sau sáp nhập; tâm lý phụ huynh về hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh…
Để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên, Hà Nội dự kiến giữ ổn định nguyên trạng các trường học trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; nếu có bất cập sẽ sắp xếp, sáp nhập lại trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học của ngành Giáo dục và Đào tạo. Đối với trạm y tế, trước mắt giữ nguyên để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh: Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần ứng trực, xử lý kịp thời, nhanh gọn, hiệu quả các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; không được để xảy ra tình trạng phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện thủ tục hành chính.
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, cũng như các quy định pháp luật hiện hành, ngày 22-3-2024, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 778/UBND-NC về việc tổ chức lấy ý kiến cử đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn lập danh sách cử tri, lấy ý kiến cử tri, lộ trình triển khai; các quận, huyện, thị xã thực hiện đủ thời gian niêm yết danh sách cử tri và tiến hành lấy ý kiến theo đúng lộ trình, kế hoạch.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.