Đến thời điểm này, hầu hết công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN - KCX) trên địa bàn cả nước đã quay trở lại làm việc với tỷ lệ cao hơn những năm trước.
Đa số công nhân đã quay trở lại làm việc sau Tết Giáp Ngọ. (Ảnh: TH). |
Ngày 10/2, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN - KCX Hà Nội cho biết, sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tỷ lệ lao động trở lại làm việc ở các công ty trực thuộc KCN - KCX Hà Nội đạt 99%. Như vậy, số lao động nghỉ việc sau Tết chỉ chiếm một con số khá nhỏ so với tỷ lệ nghỉ việc những năm về trước; giảm áp lực về thiếu hụt lao động sau Tết của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. “Tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp năm nay cao hơn các năm trước, chứng tỏ rằng ý thức của người lao động đã được nâng lên, họ đã có tác phong công nghiệp, tuân thủ quy định của doanh nghiệp” – ông Đinh Quốc Toản khẳng định.
Theo thống kê của Công đoàn các KCN - KCX Hà Nội, tỉ lệ người lao động trở lại làm việc sau đợt nghỉ tết tại các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN -KCX Hà Nội là từ 95 - 100%. Trong số đó, các doanh nghiệp như Công ty Canon, Denso, Asti, Muto... là những doanh nghiệp có tỉ lệ người lao động trở lại làm việc cao nhất. Ban quản lý các KCN - KCX Hà Nội cho biết, lý do công nhân trên địa bàn trở lại làm việc đầy đủ là do các doanh nghiệp có chính sách chăm lo, lương thưởng cuối năm tốt.
Không riêng ở Hà Nội, tại các KCN – KCX khác của cả nước, đa số người lao động cũng đã trở lại làm việc. Tại các KCN - KCX ở Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện tại cũng có trên 95% số lao động trở lại với công việc. Để có lao động trở lại với công việc khí thế bắt đầu từ ngày mồng 5 Tết, các công ty có lượng lao động lớn như Pongchen, Vina Seung, Changshin… ở KCN Tân Bình và KCX Tân Thuận đã chăm lo chu đáo cho công nhân bằng cách cho trên 40 xe khách về tận các tỉnh phía Bắc, miền Trung đón gần 2.000 công nhân trở lại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thống kê của Công đoàn các KCN - KCX tỉnh Đồng Tháp, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ có trên 90% số công nhân trở lại làm việc, tăng gần 20% so với năm 2013. Đặc biệt, có nhiều đơn vị doanh nghiệp số lượng công nhân trở lại làm việc sau Tết đạt 100% như: Công ty TNHH Hùng Vương - Sa Đéc, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Cổ phần thủy sản Trường Giang, Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Thắng...
Theo ông Lương Tấn Kiệt - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp thì số lượng công nhân trở lại làm việc sau Tết năm nay đạt tỷ lệ cao là do trước Tết, các công ty và doanh nghiệp đã có chế độ, chính sách tốt về tiền lương, tiền thưởng cho công nhân. Đặc biệt ngày đầu năm mới nhiều công ty, doanh nghiệp thực hiện việc “lì xì đầu năm” cho công nhân với số tiền từ 100.000 - 500.000 đồng/người nên công nhân rất phấn khởi.
Tại Bắc Giang, ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn KCN tỉnh cho biết, ngày 7/2 (mùng 8 tết), có 95% số công nhân lao động (trong tổng số 36.000 người lao động làm việc trong các doanh nghiệp) tới đơn vị, doanh nghiệp làm việc theo đúng quy định. Có những doanh nghiệp, người lao động có mặt 100% như Công ty may Hà Bắc... Theo ông Thắng, việc người lao động trở lại làm việc đúng “lộ trình” là do chủ doanh nghiệp đã quan tâm, chăm sóc hơn tới quyền lợi của người lao động, giúp họ ý thức hơn về công việc, nội quy của doanh nghiệp...
Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, đến 7/2, đã có trên 98% công nhân lao động ở các địa bàn có KCN tập trung công nhân đã trở lại làm việc bình thường, và đến ngày hôm nay (10/2), công nhân sẽ vào làm đầy đủ. Một vài tập đoàn sử dụng đông công nhân lao động như: Changshin, Pouchen, Phong Thái, Hawseung đến ngày 6/2 số công nhân về quê đã trở lại làm việc đạt trên 95%, số còn lại xin kéo dài ngày phép để trở lại làm việc vào ngày 10/2.
Các nhà máy, xí nghiệp, công trường, các vị trí làm việc được phủ kín, tình trạng thiếu hụt lao động gần như không có. Và đặc biệt, năm nay, tình hình lao động, việc làm những ngày đầu Xuân ổn định, thị trường lao động đầu năm không khan hiếm như những năm trước đây./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.