Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đà Nẵng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Ngọc Anh| 18/01/2023 07:53

(HNM) - Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức thành phố Đà Nẵng kết thúc năm 2022 với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa thật bền vững. Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Anh Ngọc

Khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, năm 2022, thành phố đã linh hoạt, sáng tạo trong triển khai chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước. GRDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 102,6 triệu đồng/người (tương đương hơn 4.300 USD/người), tăng 13,8% so với năm 2021.

Cũng trong năm 2022, GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về quy mô. Đà Nẵng xếp thứ 2/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ về tốc độ phát triển (sau Khánh Hòa) và xếp thứ 3 về quy mô (sau Thanh Hóa, Nghệ An). So với khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp thứ 4/5 về quy mô. So với 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả tốc độ phát triển và quy mô trong vùng.

Tính đến hết tháng 12-2022, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố đạt 23.133 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt hơn 120% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2021.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhận định: “Đà Nẵng là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh trong năm 2022. Công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh, nhất là mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...”.

Triển khai 8 nhóm giải pháp chính

Trong mức tăng trưởng 14,05% của kinh tế Đà Nẵng trong năm 2022, khu vực dịch vụ đóng vai trò “trụ đỡ” với mức tăng ước đạt 17,85%. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ, để có thể phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023, Đà Nẵng cần chú trọng phát triển cân bằng hơn các lĩnh vực kinh tế quanh “trụ đỡ” dịch vụ - du lịch - thương mại.

“Năm 2023, ngành Dịch vụ của Đà Nẵng sẽ có nhiều khả năng chiếm 70% tổng GRDP, rất rủi ro, nếu có sự cố (tương tự như dịch Covid-19) xảy ra. Vì vậy, thành phố cần có những tính toán cho phát triển để tăng thêm tỷ lệ các ngành công nghiệp, sản xuất, xây dựng và bất động sản…”, ông Trần Văn Vũ nói.

Cùng với đó, Đà Nẵng cần tăng cường thu hút đầu tư. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm thông tin, lũy kế đến hết tháng 12-2022, ước khối lượng thực hiện vốn đầu tư công tại Đà Nẵng đạt 5.686,6 tỷ đồng, giảm 14,2% so với năm 2021 và chỉ đạt 88,2% kế hoạch vốn được giao. Nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ.

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng giảm đều. Năm 2022, thành phố có 50 dự án FDI cấp mới chứng nhận (tăng 6 dự án so cùng kỳ năm 2021), nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 70,24 triệu USD, bằng 46,8% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân mỗi dự án FDI chưa đạt đến 1,5 triệu USD. “Cùng với việc thiết lập các khu công nghiệp mới để tạo thêm quỹ đất cho các khu công nghiệp (vốn đã được lấp đầy đến 85%) với hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn, thành phố sẽ chuyển đổi khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, nghiên cứu mở rộng khu công nghệ cao. Dự kiến vào tháng 1-2023, cơ quan chuyên môn sẽ trình UBND thành phố Đà Nẵng đề án kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới và khu công nghiệp hỗ trợ”, bà Trần Thị Thanh Tâm nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, năm 2023, thành phố chọn chủ đề hành động là "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội", với việc triển khai 8 nhóm giải pháp chính.

Một là, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Hai là, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch. Ba là, tăng cường các hoạt động thương mại. Bốn là, hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics. Năm là, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Sáu là, hỗ trợ các dự án lớn đang triển khai sớm đi vào hoạt động. Bảy là, đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tám là, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; tập trung mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu mạnh, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

“Các cấp, ngành của thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục quyết tâm phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không chủ quan, thỏa mãn, không trông chờ, ỷ lại với nhiều hành động quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả hơn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.