Văn hóa

Đà Lạt - Bản giao hưởng của sáng tạo

Hà An 03/09/2023 - 07:55

Đà Lạt - thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng thuộc Nam Tây Nguyên đã bước vào tuổi 130. Thành phố với 20 dân tộc anh em cùng chung sống và một lịch sử thiên nhiên, văn hóa đầy xúc cảm đã trình UNESCO hồ sơ xây dựng thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Không chỉ là câu chuyện danh hiệu, cách mà thành phố này định vị con đường phát triển bằng văn hóa sáng tạo cũng là điều được những người yêu Đà Lạt bàn tới.

da-lat1.jpg
Một buổi biểu diễn âm nhạc tại không gian sáng tạo Phố Bên Đồi.

Một hệ sinh thái văn hóa từ âm nhạc

Hồ sơ thành phố sáng tạo của Đà Lạt nêu rõ: “Nằm trên cao nguyên LangBiang với thời tiết ôn hòa..., Đà Lạt với danh xưng Thành phố của những bản tình ca là sân khấu âm nhạc ngoài trời độc nhất ở Việt Nam với hàng chục không gian biểu diễn lớn nhỏ. Đà Lạt sở hữu đa dạng biểu đạt văn hóa với các loại hình âm nhạc từ âm nhạc truyền thống như cồng chiêng Tây Nguyên đến nhạc acoustic, nhạc sống và âm nhạc đường phố gắn với tên tuổi của hàng loạt nhạc sĩ, ca sĩ... cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ”.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành không ít trang viết trong cuốn du khảo văn hóa “Đà Lạt, một thời hương xa” để tái hiện sống động một phần lịch sử âm nhạc của Đà Lạt từ kho tư liệu. Anh nhìn nhận: “Đã có lúc, hễ có một nhạc sĩ thời danh nào ghé qua và để lại một ca khúc kỷ niệm với Đà Lạt, thì gần như cầm chắc đó là tác phẩm nhanh chóng được đại chúng yêu mến”.

Các tài liệu khác cũng cho thấy, từ những năm 1960, các nghệ sĩ đã chọn Đà Lạt là nơi chốn an toàn để sáng tác, biểu diễn những ca khúc chữa lành, khơi dậy tình yêu hòa bình, tình yêu quê hương. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu những câu chuyện và bản tình ca đi cùng năm tháng của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên Phương...

Không thể phủ nhận rằng, hương xưa âm nhạc đã góp phần làm nên “căn cước” đô thị cho Đà Lạt.

Từ ký ức lưu dấu đậm nét đời sống âm nhạc đó, thành phố đã xác định: “Văn hóa, đặc biệt là sáng tạo âm nhạc, là nhân tố cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết mọi nhóm xã hội, mọi dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Năm 2019, các hoạt động văn hóa sáng tạo đóng góp 3,37% GRDP của Đà Lạt. Hiện nay, với 278 doanh nghiệp văn hóa và hơn 5.000 lao động, trong đó có 32 doanh nghiệp với 700 lao động hoạt động về âm nhạc, cùng khoảng 10 không gian sáng tạo, Đà Lạt đang trở thành tiêu điểm sáng tạo âm nhạc của Việt Nam.

Chương trình Hoa Sen SoundFest 2023 có sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng Romania và nhiều nghệ sĩ trong nước, quốc tế, thu hút gần 15.000 khán giả là ví dụ sống động về sức phục hồi sau đại dịch Covid-19 bằng năng lực sáng tạo và kết nối âm nhạc quốc tế của thành phố.

Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập không gian sáng tạo Phố Bên Đồi, có nhận xét thú vị: Đà Lạt đã có sự dịch chuyển rõ nét từ phát triển mô hình cơ sở lưu trú (homestay) đến mô hình trải nghiệm nông nghiệp (farmstay) và gần đây đã chuyển sang thu hút khách lưu trú bằng các không gian nghệ thuật, nói vui là “art-stay”.

Ghi nhận của Phố Bên Đồi cho thấy, sau nhiều năm hoạt động, đến nay các nghệ sĩ đã chủ động tìm đến với không gian này. Từ tháng 4-2022 đến tháng 7-2023 có 28 buổi hòa nhạc, workshop, hội thảo về âm nhạc. Đầu tháng 9 này, tại đây diễn ra một số đêm nhạc đáng chú ý như “Đêm nhạc Ghibli-Imagine Philharmonic Orchestra” (ngày 2-3/9) dự kiến đón 200 khách; “Đêm nhạc song tấu Piano và Violin-Maxime Zecchini & Chương Vũ” (16-9) dự kiến đón 100 khách.

Sáng kiến để hành động

Để trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), đã có nhiều sáng kiến cụ thể được nêu ra cho Đà Lạt, theo đánh giá của các chuyên gia Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đều có sự chuẩn bị chu đáo, sát thực tế.

Trong số các sáng kiến nói trên, đáng chú ý là một số sáng kiến cấp thành phố: Thứ nhất là, dự án Di sản âm nhạc của tương lai (MHF) với các hoạt động: Nghiên cứu, lưu trữ hệ thống kho tàng kiến thức và thực hành âm nhạc truyền thống của các nhóm dân tộc Đà Lạt; Tổ chức thảo luận do cộng đồng thực hiện về các vấn đề thiết thực; Nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho cộng đồng về di sản địa phương, du lịch bền vững; Thử nghiệm sáng tạo từ chất liệu âm nhạc truyền thống...

Thứ hai là, dự án Giáo dục âm nhạc vì cộng đồng. Đây là mảng việc hy vọng bổ khuyết cho Đà Lạt bởi bên cạnh hoạt động biểu diễn, sáng tác đã có đường nét nhất định thì theo nhận định của thành phố, Đà Lạt đang thiếu hệ thống đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tương xứng.

Thứ ba là, sáng kiến Da Lat Culture in Connection nhằm củng cố và phát triển mạng lưới không gian sáng tạo tại thành phố này. Một số hoạt động cụ thể như xây dựng bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đa phương tiện; củng cố hệ thống không gian sáng tạo nhằm xây dựng các trục sáng tạo của thành phố; xây dựng Trung tâm nghệ thuật Đà Lạt trên nền một không gian sáng tạo hiện có...

Đà Lạt cũng đưa ra 3 sáng kiến cấp quốc tế. Thứ nhất là, Liên hoan Hòa âm cồng chiêng Đông Nam Á được tổ chức hằng năm, diễn ra trong 4 ngày. Thứ hai là, Chương trình lưu trú thực hành âm nhạc quốc tế diễn ra hằng năm, trong khoảng 1 tháng, nhằm khám phá vai trò âm nhạc trong việc giải quyết các thách thức phát triển bền vững. Chương trình được kỳ vọng là dự án hợp tác giữa Đà Lạt và các thành phố âm nhạc trong mạng lưới UCCN. Mục tiêu là giúp người dân và bạn bè quốc tế tìm lại sự kết nối với tự nhiên, đồng thời lan tỏa tình yêu và kêu gọi hành động phát triển bền vững thông qua âm nhạc.

Thứ ba là, Festival âm nhạc quốc tế LangBiang, dự kiến trở thành Festival âm nhạc lớn nhất của Đà Lạt, diễn ra hai năm một lần, kéo dài 1 - 2 tuần.

Để biến các sáng kiến này thành hành động cụ thể trong đời sống, Đà Lạt cần sự kết nối mạnh mẽ các nguồn lực.

“Dalat Creative Roundtable” là một ví dụ của sự kết nối vì thành phố. Đây là mô hình của những đơn vị sáng tạo từ nhiều nơi như Phố Bên Đồi, Pencil, Vietfest (Vietnam Festival), Oday, SteMax, GDL JSC ra đời với vai trò như một hội đồng cố vấn cho các hoạt động về sáng tạo nghệ thuật tại Đà Lạt. Hướng cụ thể là thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng nghệ thuật tại chính địa phương, gắn kết nghệ sĩ trong nước, quốc tế...

Hợp tác quốc tế với tinh thần chuyên nghiệp là hướng đi quan trọng của không gian sáng tạo ở Đà Lạt. Theo đại diện của không gian Phố Bên Đồi, các chương trình âm nhạc chất lượng đã giúp kéo dài thời gian lưu trú của khách ở Đà Lạt từ 2 - 3 ngày lên 5 - 7 ngày, mang lại nguồn thu thiết thực cho thành phố.

Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) Phan Đỗ Phúc cho biết, anh cùng các bạn trẻ của dàn nhạc đang xúc tiến chương trình hòa nhạc cộng đồng tại Đà Lạt vào cuối năm nay. Đà Lạt có một không gian thiên nhiên, văn hóa mang lại cảm hứng cho các nghệ sĩ, lực lượng sáng tạo trẻ của Đà Lạt nổi lên nhiều nhân tố có trình độ và nhiệt huyết kết nối cộng đồng sáng tạo. Bên cạnh đó, đại diện chính quyền thành phố cũng cho thấy sự cởi mở, thẳng thắn khi trao đổi hợp tác với đơn vị nghệ thuật.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, Đà Lạt cũng đang phải đối mặt với áp lực đến từ sự phát triển du lịch và nông nghiệp chưa thực sự bền vững, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng và môi trường tự nhiên. Các không gian, nhân tố sáng tạo của Đà Lạt cũng chịu nhiều thách thức để duy trì hoạt động. Việc công chúng phải chứng kiến sự rời đi của những nhóm nhạc từng đình đám một thời, như Cá hồi hoang, là minh chứng cho sự khắc nghiệt này.

Ngay sau khi có mặt trong mạng lưới UCCN, các thành phố đều phải bắt tay vào thực hiện các cam kết của mình. Đây hẳn là cơ hội để chính quyền thành phố có thêm những quyết sách mạnh mẽ hỗ trợ cho hệ sinh thái sáng tạo của Đà Lạt, bắt đầu từ đời sống âm nhạc. Sau nữa là các lực lượng sáng tạo cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đứng bên nhau trong bản giao hưởng chung cho sự phát triển mang tính đặc thù của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Lạt - Bản giao hưởng của sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.