(HNM) - Hiện nay, diện tích trồng nhãn phía Bắc đạt gần 48.000ha. Các địa phương có sản lượng lớn như: Hưng Yên, Sơn La… niên vụ này trồng hơn 25.000ha, sản lượng dự kiến hơn 145.000 tấn; Hà Nội đạt hơn 2.000ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn, trong đó chủ lực là nhãn chín muộn. Để tiêu thụ thuận lợi, các địa phương đang tích cực quảng bá cho sản phẩm này.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có 5.000ha trồng nhãn, khoảng 4.800ha đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 45.000 tấn. Trong đó, diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 5%, nhãn chính vụ khoảng 85%, còn lại là chín muộn. Diện tích nhãn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 1.200ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích. Hưng Yên đang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn, nông sản bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại nhiều điểm cầu trong nước và các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia…
Là vựa nhãn mới khu vực phía Bắc, tỉnh Sơn La có diện tích trồng nhãn hơn 20.000ha, sản lượng ước đạt hơn 100.000 tấn. Để tránh khó khăn trong tiêu thụ như các năm trước, ngay đầu vụ, Sơn La đã có giải pháp cụ thể, chủ động kết nối tiêu thụ. Giám đốc Hợp tác xã Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) Lường Văn Mười chia sẻ, năm nay, ngoài diện tích nhãn của thành viên, hợp tác xã còn liên kết bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện Sông Mã với diện tích 60ha. Ngoài thị trường tiêu thụ truyền thống của hợp tác xã, tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ hợp tác xã mời gọi, kết nối các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chợ đầu mối, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại… qua đó tìm kiếm cơ hội ký kết tiêu thụ, hỗ trợ việc đưa nhãn lên các sàn thương mại điện tử.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ hợp tác xã, nhà vườn thông tin về thị trường, giá nông sản, trong đó có sản phẩm nhãn. Đối với thị trường trong nước, Sơn La chỉ đạo các sở, ngành khảo sát địa điểm, làm việc với cơ quan liên quan tổ chức Tuần lễ thương mại, du lịch và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại thành phố Đà Nẵng năm 2022; ký kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp; tập trung giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn tại khu vực miền Trung, miền Nam. Đối với thị trường nước ngoài, tỉnh hỗ trợ mở rộng liên kết các doanh nghiệp thu mua, chào hàng tại thị trường Cộng hòa Séc, Đông Âu… Sơn La cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thiết kế bổ sung mẫu mã, bao bì phù hợp từng thị trường.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thành phố chủ yếu là nhãn chín muộn, lệch vụ so với các tỉnh 1-1,5 tháng. Dự kiến, việc tiêu thụ nhãn tươi năm nay thuận lợi hơn do diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP lớn, giống nhãn ngon; việc bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch điện tử cũng đang được nông dân quan tâm; đồng thời do có kinh nghiệm nên áp lực đầu ra cũng giảm nhiều so với những vụ trước.
Với sự chủ động tích cực của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương, hy vọng vụ nhãn khu vực phía Bắc năm nay sẽ “được mùa - được giá”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.