(HNM) - Khi các chỉ tiêu về khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, việc khai thác thêm thị trường khách nước ngoài (có ngôn ngữ bản địa ít phát triển ở Việt Nam) càng trở nên quan trọng. Những nhà quản lý, người làm du lịch đã dần ý thức được điều này và giờ là lúc cần những động thái mạnh mẽ để đa dạng hóa ngôn ngữ thu hút du khách quốc tế.
Hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách quốc tế về các di tích, thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Thị trường còn bỏ ngỏ
Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, mức cao nhất từ trước đến nay. Mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019 đã được đặt ra với ngành Du lịch. Xa hơn sẽ là những mốc 20 triệu, rồi 25 triệu lượt khách quốc tế. Trong các thị trường tiềm năng cần chú trọng khai thác có nhiều thị trường sử dụng ngôn ngữ "hiếm" ở Việt Nam như tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Đức. Ngay hiện tại, việc khai thác thị trường các nước nói tiếng Tây Ban Nha cũng thực sự cần thiết. Theo thống kê năm 2018 của Viện Cervantes (Cuba), gần 500 triệu người trên thế giới coi tiếng Tây Ban Nha là tiếng “mẹ đẻ”.
Đến nay, du lịch Việt Nam mới khai thác mạnh, thu hút khách quốc tế ở thị trường các nước nói tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc và phần nào là Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó, khách từ các thị trường nói tiếng “hiếm” tại Việt Nam lại ít được chú ý. Thống kê tháng 1-2019 của Tổng cục Du lịch cho thấy, khách từ Tây Ban Nha chỉ khoảng gần 4,6 nghìn lượt, Italia hơn 8,7 nghìn lượt, Indonesia hơn 9,8 nghìn lượt, Thái Lan hơn 45 nghìn lượt, các nước khác thuộc châu Mỹ (chủ yếu nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) gần 7,3 nghìn lượt… Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tienphong cho biết, khi đến Indonesia để thực hiện xúc tiến, ông và các đồng nghiệp đã bất ngờ khi biết người Indonesia rất chuộng ra nước ngoài tìm hiểu, khám phá. Trong năm qua, mỗi ngày có tới 40-42 đường bay thẳng từ Indonesia tới Singapore, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Trong khi đó chỉ có hơn 87 nghìn lượt người Indonesia đến Việt Nam trong năm 2018, xem ra vẫn là con số quá khiêm tốn.
Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, cả nước mới có 241 hướng dẫn viên tiếng Thái Lan, 260 hướng dẫn viên tiếng Tây Ban Nha, 80 hướng dẫn viên tiếng Italia, 8 hướng dẫn viên tiếng Bồ Đào Nha, 28 hướng dẫn viên tiếng Indonesia. Trong khi theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ vàng giữa hướng dẫn viên và khách du lịch là 1-300. Ông Phùng Xuân Khánh kể, khi đoàn khảo sát du lịch của Indonesia sang Việt Nam vào cuối năm 2018, nhóm doanh nghiệp lữ hành “Vietnam Travel Group” hay còn gọi tắt là “G6 Group” - đang đầu tư mạnh vào thị trường Indonesia và Philippines, đã rất vất vả tìm hướng dẫn viên tiếng Indonesia.
Đại diện Công ty Lữ hành Viet Beauty Tour - một trong những đơn vị đang bắt đầu khai thác những thị trường “hiếm” về ngoại ngữ này, cho hay vẫn phải tự mày mò cách tiếp thị thông qua website và sự giới thiệu của những khách cũ. Còn hút khách thông qua văn phòng du lịch hay khách sạn tại Hà Nội rất khó, khi chính những nơi này không đủ hoặc không có người biết tiếng “hiếm”.
Khai phá đồng thời với chuẩn bị về nhân lực
Ngành Du lịch hiện rất thiếu hướng dẫn viên thạo tiếng Tây Ban Nha dù khu vực này có tiềm năng lớn. |
Để tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như Hà Nội, phải tính đến việc khai thác thêm những thị trường tiềm năng, có ngôn ngữ “hiếm” ở Việt Nam thay vì chỉ chú trọng vào những thị trường sử dụng ngôn ngữ quen thuộc. Điều này sẽ giúp các nhà quản lý chủ động hơn mỗi khi thị trường quen thuộc gặp “vấn đề”. Vài năm gần đây, các nhà quản lý, đơn vị lữ hành cũng nhận ra điều này và bắt đầu có định hướng khai thác những thị trường mới. Dù vậy, sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành vẫn rõ hơn cả. Như Công ty Viet Beauty Tour mới tung ra các tờ rơi giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha, Italia, Thái Lan, Đức… tới các văn phòng du lịch và khách sạn ở Hà Nội để giới thiệu cho du khách. Đơn vị này cũng tổ chức dạy tiếng Tây Ban Nha cho các sinh viên Khoa Du lịch hoặc các bạn trẻ yêu thích nghề hướng dẫn viên để có nguồn hướng dẫn viên sau này.
Còn Công ty Tienphong lại kết hợp với Trường Đại học Hà Nội để đào tạo tiếng Indonesia cho các sinh viên trong trường. Như ông Phùng Xuân Khánh dự báo thì trong thời gian tới, số lượng khách Indonesia tới Việt Nam cũng như Hà Nội sẽ tăng nhiều, đặc biệt nếu đường bay thẳng Hà Nội - Jakarta (Indonesia) được mở. Ngay cả Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác hai chiều du lịch Việt Nam - Triều Tiên, Việt Nam - Hàn Quốc. Lượng khách từ Triều Tiên tới Việt Nam có thể tăng mạnh nên cũng cần đội ngũ hướng dẫn viên đáp ứng yêu cầu. Hiện tại, mới có 285 hướng dẫn viên tiếng Hàn ở Việt Nam nên chưa thể đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách (gần 390 nghìn lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong tháng 1-2019). Vì thế, chuẩn bị nhân lực ngay từ lúc này là cần thiết, nếu không chúng ta sẽ mất nguồn khách.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sẽ không thừa nếu đơn vị quản lý nhà nước có những định hướng rõ ràng về khai thác nguồn thị trường khách quốc tế nói tiếng “hiếm” ở Việt Nam, để du lịch Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế. Điều này cũng giúp du lịch Việt Nam không bị động, không lãng phí “công, của” xúc tiến, quảng bá khi nguồn khách từ các thị trường ngôn ngữ “hiếm” tăng nhanh chóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.