(HNM) - Thông qua nhiều hoạt động được tổ chức trong dịp hè năm nay, trẻ em trên địa bàn Hà Nội đã có một kỳ nghỉ sôi động, bổ ích. Để bảo đảm cho tất cả trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện, các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Mùa hè bổ ích
Đã trở thành nét đẹp văn hóa, mỗi dịp hè về, trẻ em ở Hà Nội lại được tham gia nhiều chương trình, hoạt động mang ý nghĩa học mà vui, vui mà học. Dấu ấn trong kỳ nghỉ hè năm nay là thiếu nhi Thủ đô được tham gia diễn đàn trẻ em với chủ đề: “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”, diễn ra rộng khắp từ thành phố tới cơ sở.
Cháu Nguyễn Tiến Long (13 tuổi), trú tại tổ dân phố 14, phường Việt Hưng (quận Long Biên) cho biết: “Tham gia diễn đàn trẻ em, cháu hiểu rõ hơn việc sử dụng internet, mạng xã hội như thế nào cho phù hợp lứa tuổi. Cũng qua đây đã giúp cháu có thêm những kỹ năng sống cần thiết và hữu ích”.
Bà Âu Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng cho hay: Nhằm hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ em trong dịp hè, phường Việt Hưng tổ chức diễn đàn đối thoại với trẻ em từ đầu kỳ nghỉ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó đề ra giải pháp quan tâm, hỗ trợ phù hợp.
Sau cấp cơ sở, 30/30 quận, huyện, thị xã và cấp thành phố đã tổ chức diễn đàn trẻ em trong tháng 7-2019. Tại các diễn đàn, trẻ em sôi nổi thảo luận về những vấn đề liên quan đến lứa tuổi; đồng thời đề nghị các nhà quản lý giải đáp những nội dung các em chưa hiểu. Vấn đề được nhiều em quan tâm là phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa ra lời khuyên: Trong trường hợp phải đối diện với nguy cơ bị bạo lực và xâm hại, trẻ em cần bình tĩnh, quan sát xung quanh để tìm cơ hội chạy thoát; đồng thời báo cho những người đáng tin cậy hoặc gọi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được giúp đỡ.
Còn bà Đỗ Thị Hải Đường, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho rằng: Trong mọi hoàn cảnh, trẻ em không nên im lặng trước những khó khăn bản thân gặp phải. Trẻ em cũng không nên chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội và đề nghị người thân cùng thực hiện…
Thông qua các diễn đàn sinh hoạt, trao đổi trong dịp hè năm 2019, ước tính, gần 100% trẻ em bậc tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội được bổ sung kiến thức, kỹ năng phòng, chống những nguy cơ rủi ro.
Chị Lê Thị Xuân, thôn Ba, xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) bày tỏ: “Thấy hai con gái tự lập, tự tin hơn sau kỳ nghỉ hè, tôi rất vui. Mong rằng các cơ quan, đoàn thể thường xuyên tổ chức diễn đàn trẻ em, giúp các cháu hiểu hơn về bản thân, phụ huynh hiểu hơn về con cái”.
Đồng hành với trẻ em
Để mọi trẻ em được sống, học tập trong môi trường an toàn, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn đồng hành với trẻ em trong quá trình phát triển. Tại Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 10-7-2019, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Đề án: “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2019-2025”.
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 80% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu, phù hợp với độ tuổi; đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ tăng lên 95%...
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô đang xây dựng các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong những năm đầu đời.
Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ giáo dục sớm cho trẻ em với các nội dung: Chọn chương trình phù hợp cho trẻ đến 8 tuổi; triển khai giáo dục kỹ năng cho trẻ em trước tuổi đi học và học sinh tiểu học... Đồng thời, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch thành phố giao, ngành Y tế Hà Nội còn tích cực triển khai mô hình “ngôi nhà an toàn”, “trường học an toàn”, “khu dân cư an toàn”...
Bà Đỗ Phương Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) đánh giá, mô hình phòng, chống nguy cơ tai nạn thương tích tại gia đình, cộng đồng phát huy hiệu quả rất tích cực. Triển khai từ năm 2016 đến nay, phường Bạch Đằng có 90% số hộ đạt tiêu chuẩn “ngôi nhà an toàn”, 5/5 trường học đạt “trường học an toàn”. Số vụ tai nạn thương tích giảm dần, không có trường hợp nào tử vong.
Trước thềm năm học mới 2019-2020, Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với quận Hà Đông và huyện Ba Vì đã xây dựng không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng tại 20 trường trung học sơ sở.
“Từ nay đến năm 2021, dự án nhân văn này sẽ hỗ trợ cho khoảng 30.000 trẻ em tuổi vị thành niên ở quận Hà Đông và huyện Ba Vì được tham gia các hoạt động vui tươi, lành mạnh trong môi trường học tập. Dự án còn cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo lực, xâm hại trong trường học cho khoảng 30.000 phụ huynh và 800 giáo viên”, bà Sharon Kane, Giám đốc Tổ chức Plan International Việt Nam thông tin.
Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, với những giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã, đang triển khai, trẻ em trên địa bàn thành phố luôn có những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.