(HNMO) - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân bị lở loét chân vì mắc biến chứng bàn chân do bệnh đái tháo đường. Nhờ áp dụng biện pháp điều trị mới, nhiều bệnh nhân không phải cắt bỏ chi hoại tử.
Một bệnh nhân mắc biến chứng bàn chân do bệnh đái tháo đường. |
Bệnh nhân là ông N.T.L, 65 tuổi, quê ở Vĩnh Long, bị đái tháo đường típ 2 đến nay đã 18 năm. Thời gian gần đây, ngón chân thứ 5 bàn chân phải của ông L bị hoại tử nặng và được chỉ định cắt bỏ khi nhập viện địa phương. Tuy nhiên, sau đó tình trạng hoại tử chân của người bệnh không chấm dứt mà còn lan sang ngón chân thứ 3 và 4. Bệnh nhân được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Tại đây, người bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng hoại tử mỏm cụt kèm theo tắc động mạch vùng cẳng chân do xơ vữa động mạch. Các bác sĩ đã thực hiện can thiệp tái thông động mạch bị tắc đưa máu tới nuôi bàn chân, rồi cắt lọc mô và ngón chân hoại tử. Sau 12 tuần chăm sóc vết thương của ông L đã lành và không phải cắt bỏ bàn chân.
TS BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: Bệnh viện đã triển khai quy trình điều trị phối hợp liên chuyên khoa để điều trị bàn chân do biến chứng đái tháo đường. Đây là phương thức điều trị đã được nghiên cứu trên thế giới cho thấy làm giảm tỷ lệ phải đoạn chi tới trên 50%.
Bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ chỉ định can thiệp tái thông mạch máu giúp vết thương lành nhanh hơn. Tiếp theo, bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình hoặc tạo hình có vai trò quan trọng để cắt lọc mô hoại tử, ghép da và chỉnh hình biến dạng bàn chân. Chuyên khoa nội tiết đái tháo đường sẽ giúp người bệnh điều trị ổn định đường huyết, dùng kháng sinh, chăm sóc vết loét trong suốt quá trình điều trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.