(HNM) - Việc cưới tiết kiệm, văn minh ở xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) đã và đang trở thành một hình ảnh đẹp. Tiền tiết kiệm được từ các đám cưới đôi khi đủ cho vợ chồng trẻ xây dựng được một nếp nhà, hay một khoản tiền tiết kiệm để khởi đầu một cuộc sống mới.
Đến UBND xã Tòng Bạt khi đã quá giờ hành chính, nhưng trụ sở vẫn có người làm việc. Phó Chủ tịch UBND xã Chu Bùi Thơm dáng người nhỏ, nhanh nhẹn, cười đầy thân thiện: Nhà báo tưởng cán bộ xã rời ủy ban đi ăn cưới rồi hay sao mà tâm trạng thế. Lâu rồi chúng tôi không được đi ăn cưới! Nhưng thôi, cán bộ nói sợ nhà báo nghi ngờ, mời anh chị xuống thôn sẽ rõ rồi quay lại ủy
ban, muộn mấy tôi cũng chờ... Câu chuyện càng gây cho tôi sự tò mò khi cả Hà Nội đang rầm rộ với việc thực hiện việc cưới văn minh theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, nhưng không biết tinh thần ấy có lan tỏa được đến vùng đất xa xôi này?
Dạo một vòng quanh xã, lác đác thấy có một, hai đám cưới nhưng không thấy cảnh cỗ rải đầy sân người bưng vào, kẻ bưng ra la liệt như tôi vẫn thường thấy ở quê mình. Anh cán bộ văn phòng đi cùng giải thích: Đám cưới ở đây nhà nhiều thì 30-40 mâm, nhà ít khoảng 20 mâm. Trước là mời theo đầu đinh trong dòng tộc, sau nữa là anh em xóm giềng. Tất cả các thủ tục gói gọn trong 1-2 ngày, hôm trước ăn hỏi, hôm sau cưới, các thủ tục chia cau mời làng, hay mời cả làng ăn cỗ giờ đã bỏ hẳn.
Đi đầu trong việc cưới văn minh ở Tòng Bạt phải kể tới gia đình ông Trưởng thôn Thái Bạt Phạm Xuân Điệu. Từ năm 2009, hưởng ứng việc cưới theo nếp sống mới, cả 4 người con của ông đều tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm. Cô con gái út Phạm Thị Huế vừa tổ chức đám cưới, gia đình chỉ làm 30 mâm cỗ. Ông Điệu phân tích: Giờ ở nông thôn chuyện ăn uống thực sự bão hòa. Trước đây nhiều ngày làng có tới 2-3 đám, nhà nào cũng bảy, tám mươi mâm, thanh niên đi làm ăn xa, nhiều khi hai ông bà già phải thay phiên nhau đi ăn cỗ. Nếu như trước đây chạm ngõ, ăn hỏi rồi tổ chức đám cưới, ăn lại mặt… một gia đình có con cưới phải mất ít nhất 4-5 ngày mời khách, tiếp khách. Nay cưới văn minh, tất cả chỉ dồn vào 2 ngày liền nhau. Anh em ruột thịt ở xa thì điện mời, không còn phải câu nệ đến tận nhà như trước kia… Thành thử 4 người con của tôi, các cháu đều công tác nhưng chỉ phải xin phép về nghỉ cưới trước một ngày. Làm hai, ba chục mâm cỗ, gia đình chăn nuôi được vài chục con gà, mổ thêm con lợn nhỏ thế là đủ. Chi phí so với trước đây giảm tới 40-50 triệu đồng. Thay vì ăn cỗ, cả làng đến chia vui, các hội, đoàn thể đến hỏi thăm, chúc mừng rất trang trọng. Chị em phụ nữ trong xóm đi đám cưới có thời gian trang điểm, mặc áo dài, chuyện trò với nhau…
Hỏi về việc cưới tiệc ngọt, cưới tập thể ở Tòng Bạt nói riêng và nhiều vùng nông thôn mà nếp sống cũ đã ăn vào máu thịt, ông Điệu khẳng định, chắc chắn sẽ thành, nếu như trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, xã xây nhà văn hóa cho các thôn đủ rộng với đầy đủ bàn, ghế… thì các gia đình sẵn sàng. Bởi hiện nay, sau những lần tuyên truyền, vận động, đa phần nhân dân đã "ngấm" chủ trương, nhiều lúc muốn vận động các gia đình có con cưới trong tháng cùng tổ chức chung nhưng không có vị trí, địa điểm đủ rộng để tổ chức, thành ra lực bất tòng tâm.
Quay trở lại câu chuyện với lãnh đạo xã Tòng Bạt, Phó Chủ tịch UBND xã Chu Bùi Thơm đưa cho chúng tôi một danh sách chi tiết các đám cưới đã được tổ chức trong 3 năm qua trên địa bàn với đầy đủ các thông tin: con nhà ai, tổ chức ở đâu, bao nhiêu mâm. Và rồi vị Phó Chủ tịch xã thẳng thắn: Không phải ở Tòng Bạt 100% số hộ đã ngấm được hết tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy đâu nhé! Cá biệt vẫn còn nhưng chúng tôi xác định, đây là một cuộc vận động nên phải kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội, càng không thể dùng các biện pháp hành chính can thiệp. Xã thường xuyên tuyên truyền, phát huy những nhân tố tích cực, những gia đình càng khá giả, có điều kiện càng phải vận động. Nếu các hộ này thực hiện tốt, tôi tin nhiều hộ khác cũng theo.
Dù đời sống nông thôn Hà Nội ngày càng thay da đổi thịt nhưng so với nhiều nơi thì nông dân Hà Nội vẫn còn khó, còn nghèo nhiều thứ. Nếu như ở ngoại thành, mỗi đám cưới tiết kiệm được 30-50 triệu đồng thì số tiền đó đủ để làm không ít việc. Người nông dân hãy tự giảm các loại gánh nặng cho mình bằng việc tổ chức cưới văn minh. Câu chuyện ở Tòng Bạt rất đáng để suy nghĩ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.