(HNM) - Đó là sự thật đang đe dọa cuộc tại vị - được đếm bằng ngày - đến cuối tháng Tám tới của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan. Hy vọng của người đứng đầu nội các Nhật Bản rằng Quốc hội sẽ thông qua dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ 2 trong tài khóa 2011 trị giá 2.000 tỷ yen xem ra rất mong manh.
Nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc sẽ tại vị bao lâu là điều không ai dám chắc khi kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Đài Truyền hình NHK cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nội các chỉ còn 16%, mức thấp kỷ lục kể từ khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) giành quyền kiểm soát chính phủ vào giữa tháng 9-2009.
Thịt bò nhiễm phóng xạ đang gây lo ngại tại Nhật Bản. |
Không hài lòng với Chính phủ trong xử lý thảm họa kép ngày 11-3 vừa qua, nhất là sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 là nguyên nhân chính khiến 38% số người được hỏi cho rằng Thủ tướng N.Kan nên từ chức ngay lập tức. Thêm nữa, làn sóng chỉ trích Chính phủ lại vừa bùng phát trong dư luận Nhật Bản khi giới chức Tokyo cho biết, một số thịt bò từ một nông trại ở Minami Soma thuộc tỉnh Fukushima, nơi phát hiện 11 con bò cho thịt nhiễm chất phóng xạ Ceasium cao, đã được lưu thông tại ít nhất 11 tỉnh, thành phố của nước này như Tokyo, Kanagawa, Chiba, Shizuoka, Aichi, Osaka, Tokushima, Kochi và Hokkaido...
Tiếp sau thông tin về nước nhiễm xạ nồng độ cao cùng thuốc tẩy xạ bị rò rỉ từ thiết bị xử lý nước nhiễm xạ được Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) công bố, sự kiện lần đầu tiên chất phóng xạ Ceasium vượt quá mức cho phép được phát hiện trong thịt gia súc như một "cú sốc" kép với người dân Nhật Bản. Dù giới chức y tế Nhật Bản đã trấn an dư luận khi khẳng định sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không ăn nhiều thịt bò nhiễm xạ trong thời gian liên tục; nhưng thông tin về khoảng 1.500kg thịt bò nhiễm phóng xạ Ceasium cao gấp 60 lần so với tiêu chuẩn cho phép có xuất xứ từ tỉnh Fukushima được tung ra thị trường đã thổi bùng cơn giận dữ trong dư luận Nhật Bản.
Giữa lúc làn sóng dư luận xứ Phù Tang sục sôi xung quanh vụ thịt bò nhiễm phóng xạ lang thang tại ít nhất 11 tỉnh, thành phố, thách thức trên mặt trận kinh tế cũng không kém phần nan giải với Thủ tướng N.Kan khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa buộc phải hạ mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong tài khóa 2011-2012 (kết thúc ngày 31-3-2012) sẽ chỉ dừng lại ở con số 0,4% so với mức 0,6% dự báo trước đó do tác động của thảm họa kép ngày 11-3. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chỉ ra rằng nền kinh tế thứ ba thế giới đang đối mặt với khoản nợ công đã cao gấp đôi quy mô nền kinh tế trị giá 5.470 tỷ USD và cần có biện pháp để duy trì niềm tin của các nhà đầu tư, ổn định thị trường trái phiếu chính phủ; đồng thời chống sự suy giảm lãi suất toàn cầu...
Song đó chưa phải là tất cả thách thức mà Thủ tướng N.Kan đang đối mặt hiện nay. Khi nào các lò phản ứng hạt nhân sẽ tái khởi động? Chính phủ Nhật Bản sẽ làm gì để bù đắp lượng điện thiếu hụt trong mùa hè này và mùa đông sắp tới khi gần 2/3 số lò phản ứng đang tạm dừng hoạt động để kiểm tra? Đây quả là những "con sóng" lớn đang ở phía trước người chèo lái mang tên N.Kan.
Từ nguồn nước đến thực phẩm và cả trong không khí, rõ ràng sự cố hạt nhân tại Nhật Bản đang làm một cuộc lật đổ vĩ đại ở xứ này. Do đó, dù chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể đóng cửa hơn 50 lò phản ứng hạt nhân, nhưng tuyên bố sẽ đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân của Thủ tướng N.Kan hôm 13-7 đã phần nào xoa dịu dư luận trong bối cảnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.