Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản: Nguy cơ lâu dài

Đình Hiệp| 14/04/2011 06:45

(HNM) - Lời tuyên bố không thể xảy ra khả năng tái diễn một thảm họa Chernobyl tương tự tại Nhật Bản được Tổng Giám đốc Trung tâm Chernobyl về các vấn đề an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ và sinh thái phóng xạ Mikhail Bondarkov đưa ra 3 ngày sau trận động đất gây sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản đang được kiểm chứng theo chiều ngược lại.

Dù lượng phóng xạ rò rỉ ra môi trường được cho là chỉ bằng khoảng 1/10 so với thảm họa Chernobyl ở Ukraine (năm 1986), nhưng Viện An toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản (NISA) ngày 12-4 vẫn phải nâng độ nghiêm trọng của sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 từ cấp đã 5 lên cấp độ 7 - mức nguy hiểm nhất trong thang đánh giá sự cố hạt nhân quốc tế (INES) và đến nay mới chỉ được áp dụng cho thảm họa Chernobyl.

Khắc phục sự cố tại Nhà máy Fukushima số 1 vẫn là thách thức lớn với chính phủ Nhật Bản.

Quyết định trên không có nghĩa là mức độ nguy hiểm của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 tương đương với thảm họa Chernobyl. Khác biệt lớn được các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa chỉ ra là, các lò phản ứng hạt nhân tại Chernobyl vẫn hoạt động khi sự cố xảy ra, khiến lượng phóng xạ nồng độ cao bay ra ngoài và phát tán rộng trong môi trường. Trong khi đó, các lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima số 1 đã ngừng hoạt động ngay lập tức sau thảm họa động đất gây sóng thần xảy ra (ngày 11-3). Nếu như trong sự cố Chernobyl, lò phản ứng của nhà máy này phát nổ và cháy dẫn đến một lượng lớn chất phóng xạ phát tán ra môi trường lên tới 5,2 triệu terabecquerel; trong khi đó khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima, người ta đo được khoảng 370.000-630.000 terabecquerel. Điều quan trọng nhất là đến nay chưa có ai ở Fukushima thiệt mạng ngay lập tức do nhiễm phóng xạ nồng độ cao, trong khi khoảng 30 người đã tử vong tại chỗ trong vụ Chernobyl.

Như vậy không có nghĩa cuộc sống của người dân cũng như môi trường biển xung quanh Nhà máy Fukushima số 1 không bị tác động, đặc biệt sau quyết định đổ 11.500 tấn nước nhiễm phóng xạ xuống biển như một giải pháp an toàn bắt buộc mới đây của TEPCO nhằm giải phóng kho chứa tại Nhà máy Fukushima số 1, lấy chỗ chứa nước nhiễm phóng xạ ở mức cao hơn. Dù Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan không ngừng chấn an dư luận về khả năng chưa thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, môi trường sống của các loài thủy sản cũng như ngành trồng trọt của xứ hoa Anh Đào khi cho rằng, mức thải phóng xạ của Nhà máy Fukushima số 1 đang giảm dần, nhưng diễn biến trên thực tế của sự cố Fukushima vẫn hết sức phức tạp.

Cảnh báo mới nhất của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị điều hành Nhà máy Fukushima số 1 - về tình trạng phóng xạ từ nhà máy xả ra môi trường khi khuyến nghị người dân trong phạm vi bán kính 20-30 km tiếp tục phải di tản - khiến dư luận thế giới không khỏi quan ngại. Một kịch bản tồi tệ hơn được dự báo có thể xảy ra nếu Chính phủ Nhật Bản không nhanh chóng khắc phục triệt để sự cố Fukushima. Với hơn 400 cơn dư chấn mạnh trên 5 độ richter xảy ra tại Nhật Bản từ sau thảm họa ngày 11-3, khiến nỗ lực khắc phục sự cố Nhà máy Fukushima của các công nhân liên tục bị gián đoạn, TEPCO thực sự lo ngại về nguy cơ lâu dài lượng phóng xạ từ nhà máy này có thể tăng lên ngang bằng hoặc thậm chí vượt con số 5,2 triệu terabecquerel của thảm họa Chernobyl.

Tuyên bố nâng mức độ của sự cố hạt nhân Fukushima lên cấp nguy hiểm nhất được chính phủ Nhật Bản đưa ra sau một tháng nỗ lực không mệt mỏi nhằm tránh cho thế giới một thảm họa Chernobyl mới. Điều đó cho thấy Chính phủ Nhật Bản không hề đánh giá thấp cũng như chậm trễ khi ứng phó với thảm họa thiên tai lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Quyết định khá thận trọng nhưng đầy trách nhiệm của Chính phủ Nhật Bản được các chuyên gia năng lượng thế giới nhìn nhận là cần thiết khi thảm họa Fukushima đang trở thành mối quan tâm chung của thế giới. Dù đã được chuẩn bị rất kỹ để đối phó với các trận động đất từ 5 đến 7 độ richter, nhưng một loạt dư chấn xảy ra nhiều ngày qua - trong đó có dư chấn mạnh 5,8 độ richter sáng 13-4 tại khu vực Đông bắc Tokyo - vẫn gây nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Nhật Bản. Điều lo ngại nhất của chính phủ Nhật Bản hiện nay là bảo đảm an toàn "tính mạng" cho 17 nhà máy điện hạt nhân, với tổng cộng có 55 lò phản ứng.

Sau những gì mà thảm họa Chernobyl gây ra, cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa có hồi kết tại Nhật Bản sẽ là bài học lớn cho những quốc gia đang theo đuổi phát triển năng lượng hạt nhân làm nguồn năng lượng thay thế trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản: Nguy cơ lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.