Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc gặp gỡ giữa hai vùng biên viễn

Võ Lâm| 16/02/2013 08:43

(HNM) - Trong trái tim người Việt Nam, Trường Sa luôn ngự trị. Từ miền biên cương Hà Giang, những tấm lòng cũng ngày đêm thao thức về Trường Sa. Cảm xúc ấy dâng tràn khi 80 cán bộ, chiến sĩ, già làng, trưởng bản nơi địa đầu đất nước đã vượt ngàn dặm đường để đặt chân lên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc mới đây…



Ông Vừ Sé Cơ, 58 tuổi, Bí thư chi bộ thôn Má Xì B, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, có lẽ là người vui nhất đoàn. Ông là người Mông Hà Giang đầu tiên được đến Trường Sa. "Tôi chưa bao giờ đi tàu thủy, lần này được đi tàu to thế này, sướng lắm. Nghe nhiều về Trường Sa rồi, hôm nay đến đây mới thấy đẹp quá" - ông Vừ Sé Cơ bộc bạch và khoe một túi đầy vỏ sò, ốc biển được các chiến sĩ đảo Sơn Ca tặng, bảo đây sẽ là quà của mấy đứa cháu.

Bộ đội trên đảo Trường Sa chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Nhà ông Vừ Sé Cơ cách đường biên 1km. Vợ chồng ông có 8 con trong đó 3 người đã lập gia đình và ra ở riêng. Một người con gái làm Bí thư Đảng ủy xã Ma Lé, một người con trai là chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Bản. Ông kể: "Đời sống chúng tôi gắn với cột mốc biên giới. Dù rất khó khăn, nhưng dân làng vẫn quyết tâm bám trụ". Chứng kiến cuộc sống ở Trường Sa, ông thấy ở Lũng Cú, Ma Lé vẫn còn sướng hơn. "Mình là ở địa đầu Tổ quốc, cũng là bảo vệ biên giới. Ở trên mình cũng khổ, nhưng mà đi một lúc là được về nhà. Ở đây đi mãi không được về mà bộ đội Trường Sa với người dân mang cả nhà ra đây trông cột mốc. Mình sẽ tuyên truyền cho dân mình để cùng đoàn kết bảo vệ biên cương" - ông Vừ Sé Cơ nói.

Cũng có những cảm giác háo hức như ông Vừ Sé Cơ, anh Hà Văn Nga, cán bộ Đồn biên phòng Thanh Thủy cho biết: "Lần đầu đến Trường Sa mới biết rõ đồng chí, đồng đội mình ở đây kiên cường thật". Ngày lên đảo Đá Lớn, anh Nga có cuộc trò chuyện dài với anh Trần Văn Giang, bộ đội quân y của đảo. Hai người chưa từng quen nhau mà thân như anh em, chỉ sau vài câu giới thiệu, chuyện cứ thế "nổ như pháo ran". Trước lúc tạm biệt, hai anh bắt tay nhau mà lòng bịn rịn. Ngày về, anh Nga và nhiều người trong đoàn Hà Giang được chiến sĩ Trường Sa tặng những cây bàng vuông nhỏ, dự định trồng trên đồn biên phòng của mình.

Trường Sa đã tạo nên cảm hứng thi ca cho rất nhiều người. Nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cũng xúc động sáng tác một bài ca. Một mình một đàn ghi-ta, ngồi ngay trên boong tàu mà viết. Bài hát "Hát về anh người chiến sĩ Trường Sa" của ông ra đời trong một buổi chiều. Những câu hát: "Yêu sao người lính đảo Trường Sa, luôn coi đảo là nhà, biển là quê hương" đã vang lên giữa trùng khơi, như lời gửi gắm tình cảm, như sự gắn kết vô hình mà vô cùng bền chặt giữa hai miền biên cương của Tổ quốc.

Chúng tôi rất nhớ lời tâm tình của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh với các chiến sĩ Trường Sa. Ngày lên đảo Sơn Ca, ông nói: "Chúng tôi ở điểm đầu của Tổ quốc, tính chất khó khăn của miền biên giới đều hiểu cả. Đến với Trường Sa, chúng tôi còn hiểu sâu sắc hơn. Đảo của ta ở giữa trùng khơi chỉ như dấu chấm nhỏ. Nhưng đảo nhỏ, trách nhiệm của mỗi chúng ta càng phải lớn để bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng như chúng tôi, phải rất ý thức về trách nhiệm để bảo vệ biên cương Tổ quốc".

Đáp lại sự trông đợi của đất liền, của những người đang bảo vệ, giữ gìn biên cương phía bắc, cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa đều thể hiện quyết tâm thi đua cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Trung tá Đỗ Việt Hòa, cán bộ đảo Sơn Ca nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Anh khẳng định: "Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa chúng tôi trên dưới một lòng, đoàn kết nhất trí, quyết giữ vững chủ quyền Tổ quốc để không phụ lòng tin tưởng của đất liền".

Sau 10 ngày lênh đênh trên biển đến với Trường Sa, ngày về, ai cũng có một chút gì đó của Trường Sa. Đó là con ốc, nhành cây, hòn đá hay những tấm ảnh… Ai cũng muốn giữ Trường Sa trong lòng mình thật lâu. Nhiều người cầm trên tay một cách rất nâng niu những cây bàng vuông nhỏ. Người thì bảo sẽ trồng trong nhà, ở trường học, ở đồn biên phòng… Mỗi người một dự định, nhưng tất cả lại có chung mục đích: "Để mãi nhớ về Trường Sa, để nói với người Hà Giang rằng Trường Sa là thế đấy, đáng để tin yêu lắm!"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc gặp gỡ giữa hai vùng biên viễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.