Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc gặp ba bên về Syria không đạt được đột phá

Theo TTXVN| 12/01/2013 17:53

Cuộc gặp ba bên giữa Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập về Syria, ông Lakhdar Brahimi, với các đại diện chính quyền Nga và Mỹ đã kết thúc sáng 12/1 (theo giờ Việt Nam) mà không đạt được bước đột phá nào trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria.


Ngoài việc tái khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hòa bình, các bên đã không vạch ra được một kế hoạch cụ thể.

Cuộc gặp tại Geneve (Thụy Sĩ) giữa ông Brahimi với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns kéo dài hơn 5 giờ. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, ông Brahimi cho biết các bên đã tái khẳng định quan điểm không ủng hộ giải pháp quân sự cho vấn đề Syria, và bảo lưu thỏa thuận quốc tế đã đạt được hồi tháng 6 năm ngoái cũng tại Geneve, theo đó kêu gọi một giai đoạn chuyển giao chính trị tại Syria.

Thỏa thuận này cũng để ngỏ vai trò của đương kim Tổng thống Syria Bashar al Assad, người mà phương Tây và phe đối lập Syria đang muốn lật đổ. Ngoài những lập trường chung nói trên, ông Brahimi thừa nhận các bên chưa đạt được bất cứ lộ trình cụ thể nào.

Ngay lập tức, phe đối lập Syria đã bày tỏ thất vọng khi ông Brahimi và đại diện Mỹ đã không gây được áp lực để Nga thay đổi lập trường trong vấn đề Syria. Trước đó, sau bài phát biểu hồi tuần trước của Tổng thống al Assad, lực lượng này đã hy vọng sẽ có thay đổi trong chính sách của Nga và của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Syria. 

Ngày 12/1, Nga đã kêu gọi khởi động tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria, một ngày sau khi đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi gặp gỡ các quan chức ngoại giao của Mátxcơva và Washington trong nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài gần hai năm qua ở quốc gia Trung Đông này. 

Tuy nhiên, Mátxcơva cũng tái khẳng định lập trường lâu nay là chỉ người Syria mới có thể quyết định số phận của họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. 

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Theo quan điểm của chúng tôi, nhiệm vụ ưu tiên là lập tức chấm dứt bất cứ hành động bạo lực và đổ máu nào cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Syria, kể cả những người bị mất nhà cửa ở trong nước và người tị nạn. Đồng thời, cần khởi động một tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria nhằm tôn trọng luật pháp và đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các nhóm sắc tộc-tôn giáo của nước này. Cũng giống như trước đây, chúng tôi kiên quyết ủng hộ quan điểm các vấn đề về tương lai của Syria phải do chính người Syria giải quyết mà không có sự can thiệp từ bên ngoài và sự áp đặt của những công thức sẵn có”. 

Mátxcơva cũng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với sứ mệnh hòa bình của ông Brahimi và sẽ ủng hộ những cuộc đàm phán ba bên tiếp theo. 

Phía Nga cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với kế hoạch chuyển tiếp được nhất trí ngày 30/6/2012 tại Geneva song sau đó đã gây chia rẽ giữa các cường quốc trên thế giới.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/1, liên minh đối lập Syria đã đề xuất một kế hoạch quá độ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 năm qua. Kế hoạch này đề cập đến việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp thay thế chính quyền của Tổng thống Syria al Assad.

Kế hoạch chuyển tiếp do Hội đồng Dân tộc Syria, tổ chức đối lập trực thuộc Liên minh Dân tộc Syria mới được thành lập, công bố từ trụ sở của tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Kế hoạch này bao gồm việc Tổng thống Syria al Assad phải từ chức, giải thể nội các và tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng nổi dậy và chính phủ.

Động thái này diễn ra gần một tuần sau khi Tổng thống Syria al Assad đề xuất một kế hoạch mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Kế hoạch này đã được nội các Syria thông qua, gồm ba giai đoạn, đầu tiên là ký thỏa thuận ngừng bắn, tiếp đó là đối thoại dân tộc toàn diện và xây dựng một chính phủ, quốc hội mở rộng. Tuy nhiên, đề xuất này đã ngay lập tức bị phe đối lập và nhiều nước phương Tây khác bác bỏ.

Theo giới phân tích, kế hoạch quá độ của phe đối lập cho thấy Liên minh Dân tộc Syria đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu được đặt ra từ khi tổ chức này ra mắt ở Qatar nhờ sự hậu thuẫn của phương Tây. Đó là thành lập một chính phủ tạm quyền được quốc tế công nhận, qua đó lật đổ chính quyền của Tổng thống al Assad.

Trong khi đó, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại Syria bất chấp tình hình thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông. Ngày 11/1, lực lượng Quân đội Tự do Syria tiếp tục mở các cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát sân bay quân sự Menagh gần thành phố chiến lược Aleppo. Trước đó, các tay súng của phe đối lập đã chiếm giữ được căn cứ không quân chiến lược Taftanaz, căn cứ lớn nhất ở miền Bắc và lớn thứ hai trên cả nước./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc gặp ba bên về Syria không đạt được đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.