(HNM) - Một tuần nữa, người dân 28 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ đi bỏ phiếu để lựa chọn 751 thành viên cho Nghị viện Châu Âu (EP).
Trụ sở EP tại Brussels (Bỉ) chuẩn bị đón các thành viên mới. |
Hiện tại, cuộc đua vào EP diễn ra khá kịch tính. Công việc chuẩn bị nhân sự đại diện cho các nhóm chính trị nhằm mục tiêu nắm giữ các vị trí: Chủ tịch Hội đồng Châu Âu - cơ quan quyền lực cao nhất của EU và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - cơ quan hành pháp của EU không chỉ phụ thuộc vào sự vận động, chiến thuật của các nhóm chính trị của EU mà còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của chính phủ 28 quốc gia thành viên trong Liên minh Châu Âu. Các nhà chính trị tại Brussels cho rằng, một trong những ứng cử viên có khả năng nhận được nhiều sự ủng hộ của 28 chính phủ thành viên EU là cựu Thủ tướng Bỉ (1999-2008) Guy Verhofstadt, đảm trách vị trí Chủ tịch Ủy ban Châu Âu trong nhiệm kỳ 2014-2019. Thế nhưng, ghế Chủ tịch Ủy ban Châu Âu chỉ là một trong 6 vị trí quan trọng tại các cơ quan quyền lực của Châu Âu được thỏa thuận giữa các nước thành viên để bảo đảm sự cân bằng giữa cánh tả và cánh hữu; giữa các nước lớn và các nước nhỏ, giữa phương Bắc và phương Nam, giữa Đông và Tây, và giới tính. Vì thế, các nhóm chính trị đều đang mở cuộc đua nước rút để giành 5 vị trí còn lại.
Trước thềm bầu cử, dư luận đang lo ngại các đảng chính trị cực hữu với tư tưởng bài Châu Âu và chủ trương chống nhập cư có thể chiếm ưu thế khi mà phần lớn người dân đang bất mãn trước thất bại của Liên minh trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy sự trỗi dậy của các chính trị gia cực hữu với "khẩu hiệu" hạn chế nhập cư được ủng hộ tại Anh, Pháp và một số quốc gia trong liên minh đang có khuynh hướng làm thay đổi quá trình hội nhập nội khối. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển chủ nghĩa dân tộc cực đoan dẫn đến bất ổn. Nổi bật là tuyên bố thành lập "Liên minh nghị sĩ cực hữu xuyên Châu Âu" giữa nữ thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen của Pháp và lãnh đạo đảng Tự do (PVV) nổi tiếng chống đạo Hồi của Hà Lan Geert Wilders như một nỗ lực nhằm đưa đại diện của họ vào EP. Ngoài ra, những người theo các đảng phái có khuynh hướng phát xít được dự đoán có thể giành ghế trong EP khi lực lượng này đang ngày một gia tăng tại Anh, Ba Lan, Hy Lạp và Hungary.
Cuộc đối đầu giữa những chính khách chủ trương duy trì chế độ liên bang kiểu cũ và những người thực dụng muốn một cách tiếp cận liên chính phủ trong việc điều hành EU cũng khiến cuộc bầu cử EP lần này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Hiện tại, cựu Thủ tướng Luxembourg Jean - Claude Juncker ủng hộ thể chế liên bang trong hội nhập Châu Âu và ông Verhofstadt, người theo đuổi mô hình một "Hợp chủng quốc Châu Âu", là hai ứng cử viên sáng giá của phái liên bang - tạm gọi là phái thứ nhất hay phái Châu Âu cũ. Cả hai đều cho rằng EU đã chệch hướng trong cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) khi các nước lớn giành quyền quyết định tại Ủy ban Châu Âu mà không tính tới Nghị viện Châu Âu.
Trong khi đó, đối thủ của họ - phái thứ hai - Châu Âu mới là những chính khách tự do gồm: Ủy viên Châu Âu Michel Barnier của Pháp và Olli Rehn của Phần Lan - những người đóng vai trò trọng tâm trong giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại EU và có quan điểm thực dụng hơn về "cỗ máy" chính trị hiện nay của Châu Âu. Hai chính khách này chủ trương theo đuổi các sáng kiến thực tế giúp thúc đẩy kinh tế, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia, mở rộng thị trường thống nhất của EU và thúc đẩy các chính sách an ninh, nhập cư…
Trong bối cảnh hiện nay, theo các nhà nghiên cứu chính trị Cựu lục địa, bất kỳ nhân vật nào được bầu chọn vào vị trí lãnh đạo EP lần này cũng không thể có "tuần trăng mật". Thách thức trước mắt của các nhà lãnh đạo EP mới không chỉ là những quyết sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang hồi phục mà còn là những quyết định có ảnh hưởng tới màn "so găng" trong cuộc đấu trí với Nga trên bàn cờ tranh giành ảnh hưởng tại khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.