(HNM) - Trong những ngày qua, người dân dọc tuyến đường Kha Vạn Cân, (quận Thủ Đức) rất bối rối trước việc địa phương thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường để chống ngập trong thời gian tới.
Các hố ga ở dự án sửa chữa, chống ngập ở đường Kha Vạn Cân nhô khỏi mặt đường. |
Nhà trở thành… hầm!
Trong điều kiện hay ngập do mưa và triều cường, khi xây nhà, người dân TP Hồ Chí Minh đều phòng xa, xây nền cao hơn đường. Thế nhưng, việc "canh" cao độ đường để khỏi lạc hậu thật không dễ vì TP chưa có chuẩn cốt nền cho từng khu vực để người dân xây nhà!
Trước đó, những nhà dân dọc tuyến đường Cao Văn Lầu (quận 6) đã rơi vào tình huống dở khóc, dở cười khi tuyến đường này được nâng cao lên hơn nửa mét! Hầu như toàn bộ các căn nhà mặt tiền dọc hai bên đường đột ngột lọt thỏm, thấp hơn mặt đường 60cm-80cm, cá biệt có nơi thấp hơn đường gần cả mét. Điển hình nhà số 62 Cao Văn Lầu trước đây vốn cao hơn mặt đường thì nay thấp hơn mặt đường hơn 0,5m. Chủ nhà đành phải mở lối đi vòng ra cổng sau làm nơi cho xe máy ra vào. Không may mắn thông được với hẻm sau như thế, hộ ông Phạm Văn Châu ở số nhà 52 đành chấp nhận hằng ngày phải vượt dốc cao khoảng 70cm đưa xe máy từ nhà ra đường hoặc ngược lại.
Tương tự, các tuyến đường lân cận như Phạm Văn Chí, Phạm Đình Hổ… cũng rơi vào hoàn cảnh đó vì khu vực đang được nâng đường, cải tạo hệ thống cống thoát nước nhằm chống ngập cho khu vực (thuộc các dự án do Ban quản lý nâng cấp đô thị, Trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư). Ở phía quận 7, các tuyến đường Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát cũng khiến người dân vô cùng khốn khổ khi chống ngập theo "công thức" nâng đường!
Thiếu cốt chuẩn, người dân "thiệt đơn, thiệt kép"
Theo ông Nguyễn Thế Mỹ, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 6, do cao trình của quận thấp, lâu nay người dân thường xuyên sống chung với ngập. Khi triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn thì hầu như ở tất cả các dự án đều nâng đường rất cao, từ 0,6 đến 0,8m. Đây là điều không thể tránh khỏi nhưng nó gây ra thiệt hại cho những căn nhà nằm dọc các tuyến đường này, gây ra xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết cứ khoảng 4 đến 5 năm thì nhiều hẻm ở quận Bình Thạnh nâng lên 0,4-0,5m (!?)
Ông Lê Xuân Huân (phường Tam Phú, quận Thủ Đức) cho hay, năm 2002 khi xây nhà đã làm nền nhà cao hơn đường cả mét. Khi ấy đã bị cả xóm cho là lo quá xa; nhưng hiện nay, sau nhiều lần tuyến đường trước nhà được nâng lên thì nền nhà chỉ cao hơn mặt đường khoảng 10cm và hễ mưa là ngập. "Hiện nhiều nhà ở khu vực khi xây mới cũng vẫn phòng xa, xây cao hơn mặt đường. Điều này cho thấy, nhiều người dân đã có ý thức "phòng bệnh", nhưng thực tế vẫn có thể mau chóng bị lạc hậu bởi không dễ dàng tính độ cao nền nhà phù hợp với cao trình của đường trong tương lai", ông Huân nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa tin học (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi nâng đường sẽ làm đường hết ngập nhưng nhà dân sẽ bị ngập và chi phí của xã hội sẽ rất tốn kém cho việc nâng nền, sửa nhà. Cho nên, nếu không tính toán chính xác cốt nền sẽ phát sinh những vấn đề bức xúc trong dân sinh và tiêu tốn của cải của xã hội không thể thống kê nổi. Hiện TP chưa giải được bài toán cốt nền phức tạp, tuy nhiên điều này phải làm gấp rút để làm căn cứ xác định cao độ cho từng khu vực khi xây dựng công trình, nhà cửa, nhất là trong điều kiện TP đang phải đối mặt với hiện tượng nước biển dâng, lún mặt đất như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.