(HNM) - Đúng như dự báo, "cuộc đua" tăng lãi suất huy động USD, vàng vẫn tiếp tục sôi động. Khoảng cách về lãi suất giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) gần như không còn…
Khách đến giao dịch tại Ngân hàng Quốc tế (VIB). Ảnh: Linh Tâm |
Từ ngày 23-9, HDBank điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD và vàng SJC với mức tăng 0,1-0,2%/năm tùy từng kỳ hạn gửi. Theo đó, mức lãi suất cao nhất lên đến 5,2%/năm đối với USD, 1,5%/năm đối với vàng.
Trước đó, ngày 20-9, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) công bố biểu lãi suất mới. Tại ACB, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng là 1,4%/năm. Kỳ hạn 3 tháng cũng có lãi suất cao, với 1%/năm. VietABank huy động vàng với lãi suất dao động trong khoảng 1,2-1,35%/năm cho kỳ hạn 1-18 tháng. Đỉnh lãi suất vàng hiện nay là Ngân hàng Navibank, mức cao nhất áp dụng là 2%/năm cho kỳ hạn 11 tháng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VIETBANK) điều chỉnh lãi suất USD từ ngày 20-9. Cụ thể, lãi suất tiền gửi sản phẩm tiết kiệm lãi suất cộng, kỳ hạn 6 tháng là 4,85%/năm. Mức lãi suất cao nhất 5,3%/năm áp dụng cho sản phẩm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán lãnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 36 tháng.
Như vậy, sau một thời gian trầm lắng, các ngân hàng lại "ồ ạt" tăng lãi suất huy động vàng, USD với mức cao hơn trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngân hàng tăng lãi suất vàng, USD chủ yếu để đối phó với Thông tư 13 sắp có hiệu lực của Ngân hàng Nhà nước. Hiện, tại một số ngân hàng, tỉ lệ cho vay vốn trên tổng huy động đã vượt mức quy định của Thông tư này, ngân hàng phải tìm cách huy động vốn để bù đắp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.