Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đoàn tụ xúc động

Tuệ Diễm| 30/04/2017 06:44

(HNM) - Anh 19 tuổi thì lên đường bảo vệ Tổ quốc. Một năm sau, người em 13 tuổi, tiếp bước chân anh đi làm cách mạng...

Đại tá Nguyễn Bạch Vân (ngoài cùng bên trái hàng thứ hai) và anh trai là Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Dũng (ngoài cùng bên phải hàng thứ hai) trong cuộc sum họp gia đình.


Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Dũng nguyên là Chánh Văn phòng - Bộ Tổng tham mưu, còn người em trai của ông là Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên là Chuyên viên Tổng cục II - Bộ Quốc phòng. Ngày này, trong không khí 30-4 lịch sử ùa về trên mọi nẻo đường, tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Văn Vĩnh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Dũng trầm giọng: "Đất nước tròn 42 năm thống nhất, thế nhưng 2 anh em tôi không thể đi dự. Năm nay tôi 90 tuổi phải ngồi xe lăn, còn Bạch Vân cũng đã 83 tuổi, già lắm rồi, khó di chuyển, nên đành ở nhà xem lễ kỷ niệm trên ti vi”.

Hai anh em ông Nguyễn Hoàng Dũng đều là những nhân chứng quan trọng trong cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn. Trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, ông Nguyễn Hoàng Dũng là thư ký quân sự cho Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, còn người em trai Nguyễn Bạch Vân là thư ký cho Thượng tướng Trần Văn Trà - Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Những ngày tháng tư lịch sử ấy, ông Nguyễn Hoàng Dũng luôn ở cạnh Đại tướng Văn Tiến Dũng túc trực ở Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền (tại Bình Phước) điều khiển trận đánh, còn ông Nguyễn Bạch Vân được lệnh theo tướng Trần Văn Trà cùng đội quân áp sát Sài Gòn để chờ 5 cánh quân tiến vào giải phóng sẽ thực hiện nhiệm vụ tiếp quản thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng và Nguyễn Bạch Vân sinh ra trong gia đình có 10 người con ở Thanh Trì - Hà Nội. Năm 1945 Nguyễn Hoàng Dũng tròn 18 tuổi, tham gia tự vệ thành Hà Nội, lúc này cậu em Nguyễn Bạch Vân mới 12 tuổi. Năm 1946, ông Nguyễn Hoàng Dũng lên đường nhập ngũ theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, sau này cậu em Nguyễn Bạch Vân cũng tiếp bước anh trai lên chiến trường Việt Bắc hoạt động cách mạng ở tuổi 13. Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Dũng được lệnh tập kết ra Bắc.

Ông không gặp được em trai, vì lúc này ông Vân được đơn vị cử vào công tác tại vĩ tuyến 17. Từ 1963 đến 1973, người anh cả công tác tại Bộ Tổng tham mưu, còn em trai hoạt động ở Cục Tình báo miền Nam. Thấm thoắt 10 năm trôi đi, giữa 2 anh em chỉ vài cánh thư qua lại, chỉ biết là còn sống, chiến đấu. Từ năm 1973, ông Vân vào làm nhiệm vụ ở trại Davis (nằm trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất). Lúc này ông là thư ký quân sự cho tướng Trần Văn Trà - Trưởng phái đoàn Việt Nam dân chủ Cộng hòa về thi hành Hiệp định Paris. Những ngày đầu năm 1975, tổ chức quyết định rút ông Vân ra khỏi trại Davis về công tác tại Bộ Tư lệnh Miền chờ thực hiện nhiệm vụ mới.

Khẽ nhấp ngụm nước trà, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Dũng bồi hồi rằng, chỉ tới sát ngày giải phóng miền Nam, anh em ông mới được gặp nhau, sau hàng chục năm xa cách. Đó là ngày 28-4-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ cho tướng Trần Văn Trà mang theo một cánh quân bí mật tiến sát Sài Gòn để làm nhiệm vụ quân quản. Tại cuộc họp của hai vị tướng này, cả 2 anh em đều bất ngờ được gặp nhau khi cùng dự với vai trò mỗi người là thư ký cho một vị tướng. Cuộc gặp mặt chớp nhoáng, ông Nguyễn Hoàng Dũng chỉ kịp dặn em trai: “Cậu đi đi, hòa bình rồi mình gặp nhau”. Người em nhận lệnh gấp gáp theo tướng Trần Văn Trà lên đường, không kịp về giã từ người vợ ở Tây Ninh đang chuẩn bị lâm bồn.

Ông Nguyễn Bạch Vân nhớ lại: “Khi đi, trong đầu tôi nghĩ nếu còn sống, mang hòa bình trở về sẽ đặt tên con là Nguyễn Thanh Bình, bất kể là trai hay gái”. Trong khi đó, anh trai ông có nhiệm vụ trực tác chiến tại Sở chỉ huy Miền giúp Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy toàn bộ chiến dịch. Ông còn nhớ như in phút giây chiến thắng tại đây: “Ngày 30-4 đối với anh em tôi là ngày không thể quên, nó đã trôi qua 42 năm nhưng những kỷ niệm, cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn với tôi. Lúc 11h30 khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mọi người tại Sở chỉ huy Miền ôm chầm lấy nhau, nước mắt cứ chảy ra”.

Ngày 30-4-1975, ông Vân cùng đoàn quân của tướng Trần Văn Trà nhanh chóng tiến vào làm nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn. Chiều cùng ngày, từ Sở chỉ huy Miền, người anh tháp tùng Đại tướng Văn Tiến Dũng tiến về Sài Gòn để tổ chức họp mặt 5 cánh quân tại trại Davis. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Dũng đây là một cuộc họp lịch sử có một không hai trong quân đội vì có mặt đầy đủ Tư lệnh 5 cánh quân giải phóng. Trước đó, mỗi trận đánh các Tư lệnh chỉ thay nhau đến gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng rồi tức tốc về làm nhiệm vụ.

Ngày hòa bình họ mới được ngồi lại phân chia nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn và triển khai kế hoạch đưa các cánh quân rút lui khỏi thành phố về đóng tại các quân đoàn. Kể tới đây, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Dũng nghèn nghẹn: "Tôi và Nguyễn Bạch Vân cứ như mặt trăng, mặt trời chẳng gặp được nhau. 9 năm chiến tranh chống Pháp thì đến năm 1954 mới được nghe thông tin của nhau. 21 năm chống Mỹ, thì đến ngày 1-5-1975 mới được ôm nhau, bắt tay sau ngày Độc lập”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đoàn tụ xúc động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.