Trung Quốc đang trải qua đợt xuân vận Tết Nguyên đán lớn chưa từng thấy trong lịch sử với khoảng 9 tỷ lượt đi lại.
Qua đó, thế giới lại một lần nữa kinh ngạc trước sự phát triển nhanh chóng của ngành giao thông nước này.
Cuộc xuân vận lớn nhất lịch sử
Ngày 26-1, Trung Quốc bắt đầu đợt xuân vận bận rộn nhất với kỷ lục 9 tỷ chuyến đi nội địa dự kiến sẽ được thực hiện trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân. Theo truyền thông Trung Quốc, con số này gần gấp đôi so với 4,7 tỷ chuyến đi được thực hiện trong đợt cao điểm Tết năm 2023 khi các hạn chế cực kỳ nghiêm ngặt về Covid-19 được bãi bỏ.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc Li Yang cho biết, thời gian du lịch Tết Nguyên đán năm nay sẽ từ ngày 26-1 đến ngày 5-3, tổng cộng 40 ngày. Trong thời gian du lịch lễ hội mùa xuân, dòng người di chuyển xuyên khu vực sẽ đạt mức cao kỷ lục do nhu cầu thăm thân, du lịch, vận tải hàng hóa... đều tăng cao. Ước tính có khoảng 7,2 tỷ chuyến đi bằng ô tô, 480 triệu chuyến tàu trong dịp cao điểm này, tăng lần lượt 38% và 18% so với năm 2019. Các điểm đến chủ yếu tập trung ở các thành phố nổi tiếng như Trịnh Châu, Tây An, Vũ Hán cũng như các hướng Quảng Châu - Thâm Quyến, Thành Đô - Trùng Khánh, Côn Minh - Nam Ninh...
Đài Truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin, khoảng 80% trong số 9 tỷ chuyến đi sẽ là những chuyến đi bằng đường bộ tự lái - cũng là một kỷ lục, phần còn lại bằng đường sắt, đường hàng không và đường thủy. Ngay trong ngày đầu tiên của đợt xuân vận, ngày 25-1 đã có khoảng 11 triệu chuyến tàu được thực hiện. Tàu cao tốc hiện là phương thức vận tải nội địa chính ở Trung Quốc.
Theo ghi nhận của truyền thông Trung Quốc, mặc dù tình trạng khan hiếm vé có xảy ra song các chuyến đi đều được đảm bảo về chất lượng. Các đoàn tàu đã có sự chuẩn bị đầy đủ về điều kiện đảm bảo an toàn, dịch vụ chất lượng cao và sẵn sàng phục vụ lưu lượng hành khách lớn trong dịp lễ hội mùa xuân, giúp hành khách an toàn hơn và thoải mái hơn trên đường về nhà. Hầu hết các nhà ga đều được ứng dụng công nghệ để tạo ra sự thuận lợi cho khách hàng như bán vé điện tử, có dịch vụ đưa đón theo yêu cầu, ứng dụng AI trong chỉ dẫn, máy quay số thông minh và biển chỉ dẫn chuyển tuyến tiện lợi dạng đèn chiếu...
Xuân vận - xuân vui nhờ công nghệ
Nếu như trước đây, xuân vận là “nỗi sợ hãi” của người dân Trung Quốc bởi tình trạng quá tải, đi lại vất vả thì giờ đây, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành giao thông nước này, nhiều người đã không còn quá lo lắng về xuân vận. Con số 9 tỷ chuyến đi là một minh chứng rõ ràng. Nếu không có hạ tầng giao thông đủ tốt, điều này không thể trở thành hiện thực.
Những năm gần đây, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nổi tiếng thế giới. Theo trang gov.cn, với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, ngành giao thông vận tải Trung Quốc đã đạt được những thành tựu mang tính lịch sử. Đến nay, tổng quy mô cơ sở hạ tầng giao thông toàn diện của Trung Quốc thuộc hàng đầu thế giới, mô hình không gian khung xương chính của mạng lưới giao thông ba chiều toàn diện quốc gia “6 trục, 7 hành lang và 8 kênh” về cơ bản đã được xác định rõ ràng. Toàn thế giới có thể tiếp cận hàng không và hàng hải, bưu chính và chuyển phát nhanh có thể tiếp cận được tới các làng và thị trấn hẻo lánh.
Đến thời điểm năm 2023, hơn 50 thành phố trên cả Trung Quốc đã có đường sắt đô thị. Chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2023, nước này đã xây dựng mới 1.700km đường sắt cao tốc, hơn 7.000km đường cao tốc đã được mở rộng hoặc cải tạo và 1.000km đường thủy cao cấp đã được bổ sung hoặc cải tiến. Đất nước này cũng tự hào có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với quãng đường hoạt động là 42.000km và mạng lưới đường cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài 177.000km.
Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc có 254 sân bay vận tải dân dụng. Trong đó, đường sắt cao tốc được coi là “tấm danh thiếp tỏa sáng” của Trung Quốc, những thành tựu đổi mới khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt cao tốc của nước này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Tại Tân Cương, tuyến đường sắt sa mạc Taklamakan dài 2.712km - tuyến đường sắt sa mạc đầu tiên trên thế giới - đã chính thức được hình thành, chấm dứt lịch sử nhiều quận dọc tuyến không có đường sắt...
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông minh vào giao thông đã giúp thay đổi chất lượng dịch vụ của ngành này, thúc đẩy đi lại “không giấy tờ” và thuận tiện, đặt chỗ trực tuyến và vé điện tử về cơ bản đã phủ sóng toàn bộ. 27 tỉnh đã triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách theo yêu cầu, dịch vụ đi lại “tận nơi” của người dân được đáp ứng hiệu quả.
Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân là truyền thống ngàn đời của Trung Quốc nhưng cũng gắn với xuân vận - cuộc di cư lớn nhất thế giới đầy thách thức. Ngày nay, mạng lưới giao thông thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện hơn đã mở đường cho hành trình đoàn tụ gia đình hạnh phúc mỗi dịp Tết đến xuân về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.