(HNM) - Mấy ngày qua, Dải Gaza không chỉ tiếp tục hứng chịu những vụ pháo kích và không kích dữ dội của quân đội Israel mà còn chứng kiến thêm các vụ tấn công bằng đường biển của lực lượng tinh nhuệ hải quân Israel nhằm vào lực lượng Hamas ở dải đất này.
Như vậy là chiến dịch "Bảo vệ biên thùy" của Tel Aviv đã bước sang ngày thứ 7 với cường độ ngày một khốc liệt với sự tham gia của cả 3 binh chủng hải - lục - không quân và chưa có dấu hiệu kết thúc, bất chấp những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế. Các vụ tấn công đã nâng tổng số người thiệt mạng lên 185, chủ yếu là dân thường và hơn 1.300 người bị thương.
Đạn pháo Israel khiến hàng trăm người Palestine mất nhà, rơi vào cảnh tị nạn. |
Sự kiện Israel liên tiếp không kích dữ dội xuống Dải Gaza với lý do đáp trả các vụ nã tên lửa của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Do Thái đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong cộng đồng người Palestine trên khắp thế giới cũng như tại Bờ Tây. Ngày 14-7, người biểu tình Palestine đã đụng độ với quân đội Israel tại thành phố Bethlehem (thuộc khu Bờ Tây) bằng cách ném đá và bắn pháo. Israel đáp trả bằng lựu đạn gây choáng. Ngày hôm sau (15-7), 3 quả tên lửa được cho là do các phiến quân Hồi giáo phóng từ bán đảo Sinai của Ai Cập đã trúng khu nghỉ dưỡng Eilat ở miền Nam Israel, làm 4 dân thường bị thương. Hành động này đi ngược lại các nỗ lực của Cairo làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt các cuộc pháo kích kéo dài một tuần qua giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza. Trước đó, chính quyền Palestine (PA) đang nỗ lực thúc đẩy ý tưởng tổ chức một hội nghị hòa bình giữa Israel và Palestine cùng với một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Cụ thể, PA đề nghị thỏa thuận ngừng bắn không chỉ nhằm chấm dứt sự thù địch mà còn bao gồm nhiều biện pháp giúp tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông đang bị đình trệ. Ngoài việc tổ chức hội nghị cấp cao quốc tế gồm các đại diện đến từ PA, Israel và các nước Arab, đề xuất của Palestine bao gồm nhiều điều khoản khác, như: Chuyển quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập cho PA; triển khai các lực lượng PA dọc theo tuyến đường trên biên giới giữa Dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập; trả tự do cho các thành viên Hamas trong đó có nhiều nghị sĩ vừa bị các lực lượng an ninh Israel bắt giữ; tăng cường sự kiểm soát của Palestine với cửa khẩu Erez giữa Israel và phía bắc Gaza.
Trong phản ứng đầu tiên về sáng kiến ngừng bắn của Ai Cập, sáng 15-7, Liên đoàn các quốc gia Arab đã kêu gọi các bên chấp nhận đề xuất ngừng bắn, tiến tới chấm dứt đổ máu cho dân thường vô tội. Các nguồn tin mới nhất từ Ai Cập cho biết, cùng ngày, nội các an ninh của Israel đã chấp thuận đề xuất của Ai Cập về ngừng bắn ở Dải Gaza, bắt đầu có hiệu lực ngay từ 9h sáng (giờ địa phương). Tuy nhiên, nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza dù thừa nhận động thái ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột này nhưng vẫn chưa chính thức tuyên bố chấp nhận đề xuất ngừng bắn. Theo các nhà phân tích, việc cả Israel và Hamas đều ra điều kiện về ngừng bắn cho thấy nguy cơ gia tăng bạo lực tại Dải Gaza và khu Bờ Tây vẫn hiện hữu.
Cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine gia tăng đột biến đang khiến cả cộng đồng quốc tế lo ngại. Liên minh Châu Âu (EU) và Liên đoàn các quốc gia Arab đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và ngừng bắn ngay lập tức. Hội đồng Bảo an LHQ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về số phận dân thường trong cuộc giao tranh giữa Israel và Palestine. Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng đã cảnh báo Tel Aviv không phát động bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào nhằm vào Dải Gaza, cho rằng một hành động như vậy sẽ chỉ gây thương vong với dân thường và làm bạo lực leo thang tại vùng lãnh thổ này. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng công khai phản đối một cuộc tấn công toàn diện của Israel vào Gaza.
Hiện tại, bất đồng khó hóa giải giữa Israel và Palestine vẫn là việc Tel Aviv không ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, một trong những nguyên nhân từng đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông sụp đổ 3 năm trước. Thế nên, dù lệnh ngừng bắn vừa phát đi nhưng vẫn đứng trước nguy cơ đổ vỡ như đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Do đó, hy vọng chiến sự sẽ sớm chấm dứt ở Dải Gaza vẫn thật mong manh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.