Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cuộc chia ly” phức tạp

Quỳnh Dương| 30/03/2017 06:31

(HNM) - Chín tháng sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, ngày 29-3, bức thư lịch sử do Thủ tướng Anh Theresa May đặt bút ký để khởi đầu cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU đã được chuyển tới Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Donald Tusk.

Thủ tướng Anh T.May ký bức thư khởi đầu quá trình đàm phán rời khỏi EU.


Trong vòng 2 năm tới, Thủ tướng T.May sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục để giải quyết các điều khoản về quá trình Brexit. Theo nhận định của các nhà phân tích, hành trình phía trước sẽ nhiều gian truân. Cụ thể, người đứng đầu đảo quốc Sương mù phải khởi động các cuộc đàm phán được dự báo vô cùng gian nan với 27 thành viên khác của EU về các lĩnh vực tài chính, thương mại, an ninh và một loạt vấn đề phức tạp khác. Cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa Anh và EU sẽ diễn ra sau khi 27 nước thành viên của liên minh thống nhất được thứ tự ưu tiên về các vấn đề, nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán. Vì vậy, phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cuộc gặp gỡ này mới có thể bắt đầu. Kết quả đàm phán sẽ định hình tương lai của kinh tế Anh - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới - và sẽ xác định liệu London có giữ được vị thế là một trong hai trung tâm tài chính hàng đầu hành tinh hay không.

Cho tới thời điểm hiện nay, những dự đoán về hậu quả kinh tế mà Anh phải gánh chịu sau khi bỏ phiếu rời khỏi EU vẫn chưa thành hiện thực. Nền kinh tế xứ sở Sương mù vẫn tăng trưởng ở con số đáng ngưỡng mộ là 1,8% vào năm ngoái, dự đoán sẽ lên 2% trong năm 2017. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hậu quả chỉ thật sự lộ diện sau khi chính quyền của bà T.May chính thức ngồi vào bàn đàm phán. Hiện cả Anh và EU đều thể hiện quan điểm không muốn thỏa hiệp với nhau. Phía EU đưa ra điều kiện London phải đồng ý các nguyên tắc rút khỏi khối một cách trình tự trước khi nói đến các vấn đề thương mại. Điều này có nghĩa rằng, Anh phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư, gồm công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU. Thế nhưng, chính quyền Anh lại muốn tiến hành song song cả thủ tục cho “cuộc chia tay” lẫn thương lượng về quan hệ đối tác mới trong tương lai. Trong đó, một hiệp định tự do thương mại "tham vọng và can đảm" của Thủ tướng T.May là mục tiêu chủ chốt của London.

Trong viễn cảnh tiêu cực nhất, khi Anh và EU rời bàn đàm phán "trắng tay" không có thỏa thuận thương mại nào thay thế thì cái giá phải trả cho "cuộc chia ly" không êm thấm sẽ vô cùng đắt đỏ cho cả đôi bên. Nếu cả hai buộc phải áp dụng trở lại các luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối với các hoạt động giao thương thì riêng ngành xuất khẩu xe hơi sẽ gánh 10% thuế hải quan tại biên giới EU. Trong khi đó, nhiều trung tâm tài chính nhỏ ở Anh đang lao đao khi thời điểm quốc gia này rời khỏi EU cận kề vì sự thay đổi về quy chế của đảo quốc Sương mù trong ngôi nhà chung được dự đoán khiến nhiều người mất việc.

Vì vậy, 2 năm tới sẽ là thời gian thử thách lòng kiên nhẫn, thiện chí của cả Anh và EU để có thể xác lập được mối quan hệ đối tác mới, đem lại phồn vinh cho cả hai bên. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đến cuối tháng 4, khi EU đưa ra các thứ tự ưu tiên và vạch ra những “ranh giới đỏ" trong tiến trình đàm phán, các bên sẽ chính thức xác định được chiều hướng quan hệ song phương. Điều này cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến các chiến lược hợp tác giữa Anh và EU trong thời kỳ hậu Brexit.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc chia ly” phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.