(HNM) - Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã và đang đẩy mạnh việc cung ứng nông sản an toàn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm sạch. Tuy nhiên, để cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế còn nhiều việc phải làm.
Còn nhiều khó khăn
Thực tế hiện nay các mặt hàng nông sản an toàn đang cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm bán tại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Theo ông Dương Thế Mạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Hải (Quảng Ninh), hiện nay công ty đang sản xuất nấm với công suất 600 tấn nấm tươi/năm. Công ty đã ký hợp đồng với các siêu thị Vinmart, Big C, Aeon, Sói Biển…; trong đó, tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội, khoảng 350 tấn/năm. Tuy nhiên, mặt hàng nấm đang phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nấm là thực phẩm tươi sống, thời gian sử dụng ngắn, từ 7 đến 10 ngày, đòi hỏi quy trình công nghệ để bảo quản hàng hóa được lâu và an toàn nhưng công ty lại đang thiếu ở khâu này.
Cũng về vấn đề này, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho biết: Hiện nay, Bảo Minh cung cấp phần lớn gạo cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, việc cung ứng nông sản an toàn của công ty cũng gặp những khó khăn, thách thức. Bảo Minh thu gom giá cao hơn thị trường nhưng chất lượng sản phẩm chưa tương ứng với giá trị đầu tư do việc người dân làm sai quy trình, quy định như: Gặt vào ngày mưa, chăm sóc cây trồng chưa đạt… làm giảm chất lượng sản phẩm; các chủ nhiệm hợp tác xã chưa sát sao đồng hành cùng với doanh nghiệp; thiếu nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình cân định lượng và luân chuyển xếp xe nên thời gian thu mua kéo dài…
Nhận định về tình hình trên, mới đây, tại hội nghị tổng kết chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện nay, việc cung ứng nông sản an toàn của các doanh nghiệp, hợp tác xã ra thị trường còn nhiều khó khăn do một số địa phương quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất nguồn gốc còn thấp. Hàng hóa của các địa phương chủ yếu là thực phẩm tươi sống từ nhà cung cấp tới từng điểm bán lẻ nhà phân phối nên lượng hàng vận chuyển không lớn; đôi khi chưa kịp thời do khoảng cách, thời gian vận chuyển, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm được giao.
Quản lý nông sản ngay từ khâu sản xuất
Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn cho hệ thống kênh phân phối hiện đại, bảo đảm đầu ra thuận lợi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Vũ Văn Kỳ kiến nghị các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các hội chợ thương mại để hợp tác xã quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng và thông qua đó ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, hỗ trợ hợp tác xã trong xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn Đông Cao để nâng cao giá bán ra thị trường.
Theo bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, nhằm tạo thuận lợi cho các hợp tác xã, người dân đẩy mạnh việc cung ứng nông sản đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, huyện đã quy hoạch các điểm trồng rau an toàn tập trung tại các xã ven sông Đáy với tổng diện tích 170ha; phát triển và mở rộng vùng cây ăn quả với quy mô 115ha. Đặc biệt, huyện đã hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật gieo trồng lúa hàng hóa chất lượng cao, giống lúa Nhật J02, tỷ lệ lúa chất lượng cao hằng năm đạt từ 60% trở lên; hình thành vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao cánh đồng mẫu lớn, cùng giống, cùng thời vụ, quy mô hơn 3.400ha/vụ; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra thuận lợi.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng nông nghiệp thông tin. Theo đó, hết năm 2020 sẽ có 100% sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi được truy xuất nguồn gốc điện tử, bảo đảm cung cấp nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng Thủ đô. Cùng với đó, Sở sẽ tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển chợ đầu mối nông sản quốc tế tại huyện Gia Lâm, một số khu giới thiệu, kết nối tiêu thụ, thu hút khách tham quan mua sắm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.