(HNMO) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19” diễn ra chiều 12-3.
Hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức nhằm xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản trong điều kiện hiện nay. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tham dự tại đầu cầu Hà Nội.
Dịch bệnh, hạn hán vẫn đang thách thức
Theo Bộ NN&PTNT, bức tranh nông nghiệp trên cả nước trong 2 tháng đầu năm 2020 có nhiều mảng sáng. Cả nước đã gieo cấy khoảng 3,01 triệu héc ta lúa đông xuân; gieo trồng được 39,1 nghìn héc ta khoai lang; một số cây ăn quả chủ lực đang thu hoạch như thanh long, chôm chôm, cam; vải, nhãn, xoài, đang thời kỳ ra hoa.
Cũng trong 2 tháng đầu năm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát. Trên 97% số xã không còn dịch sau 30 ngày, người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn lợn. Do vậy, thời gian tới, chắc chắn sản lượng thịt lợn sẽ tăng, giá sẽ hạ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái...
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT nhận định, những khó khăn, thách thức vẫn ở phía trước. Dịch Covid-19 đang tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thời tiết cực đoan. “Đồng bằng sông Cửu Long đang hạn mặn nghiêm trọng ảnh hưởng tới trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; bệnh Dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn gia cầm của Việt Nam đang rất lớn... ” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tại Hà Nội, theo UBND thành phố, hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mới đáp ứng được 58% nhu cầu thịt các loại, 70% cá các loại, 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi..., còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của người dân, trước mắt, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng vụ xuân, bảo đảm năng suất và chất lượng nông sản; xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông hợp lý.
Đối với chăn nuôi, Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chủ động phát hiện sớm và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý dịch bệnh, không để dịch lan rộng. Về lâu dài, thành phố tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị nông sản.
Tăng năng suất lúa, hạ giá lợn hơi để bình ổn thị trường
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Theo ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam, không chỉ khi dịch Covid-19 xảy ra, để bình ổn thị trường, cần tập trung vào chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu do dịch Covid-19 xảy ra, đề nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ ngân hàng...
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Trong mọi hoàn cảnh, Bộ NN&PTNT sẽ cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân; duy trì xuất khẩu. Đây là mục tiêu khó nhưng có thể thực hiện được nếu có sự tập trung chỉ đạo đồng bộ từ Nhà nước, doanh nghiệp đến người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, trong những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành Nông nghiệp cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp:
Đối với chăn nuôi, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải hạ giá lợn hơi xuống mức dưới 70 nghìn đồng/kg để bình ổn thị trường. Cùng với đó, ngành chăn nuôi phát triển sản phẩm chủ lực với mục tiêu: Tổng sản lượng thịt các loại của cả nước đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019; sản lượng đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019; đẩy mạnh liên kết chuỗi, trong đó, doanh nghiệp phải là hạt nhân.
Đối với trồng trọt, các địa phương cần sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa để vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Cả nước phấn đấu diện tích trồng lúa năm 2020 đạt 7,3 triệu héc ta, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với năm 2019. Cả nước duy trì diện tích rau màu khoảng 980 nghìn héc ta, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn, dư 4,2 triệu tấn để xuất khẩu.
Đối với cây ăn quả, cần mở rộng diện tích 1,1 triệu héc ta, tăng trên 50 nghìn héc ta; sản lượng ước đạt 13,3 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2019…
Về kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu, Bộ NN&PTNT khẳng định, tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở thị trường mới.
Đối với nhóm kiến nghị liên quan đến thuế, tín dụng, bảo hiểm cho doanh nghiệp..., Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nhằm sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.