(HNMO) - Không một ngày được đào tạo qua môi trường sư phạm, nhưng nhờ có các anh, những chiến sĩ mang quân hàm xanh, tỷ lệ học sinh đến trường ở các xã khó khăn của tỉnh Sơn La ngày một tăng. Nhờ chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Sơn La phát động, cùng với cái chữ, con em các dân tộc vùng biên đã được các chú bộ đội dạy thêm nhiều kỹ năng sống ngoài những giờ học trên lớp...
Khó khăn nơi vùng cao
Chiềng Tương (thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) là xã vùng cao có đường biên giới dài 21,3 km tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn của Lào. Thầy giáo Lê Xuân Hiền, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương cho biết, xã này còn nhiều khó khăn. Chiềng Tương có hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường gây lũ lụt, ngập úng ở một số bản, làm trôi hoa màu và nông sản của người dân. Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau.
“Là xã vùng cao, ít sông suối, kết hợp với mùa khô kéo dài, nguồn nước khan hiếm, nên cuộc sống của người Mông và người Thái ở đây còn vất vả, việc vận động con em đến trường vì thế cũng rất khó khăn. Những năm trước, tỷ lệ học sinh bỏ học không tới trường, nhất là những ngày sau Tết Nguyên đán cao lắm, chiếm từ 9-10% sĩ số học sinh”, thầy giáo Hiền nói.
Về điều kiện cơ sở vật chất, dù 2 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện, khu bán trú của trường đã được sửa chữa khang trang, nhưng theo thầy giáo Hiền, vì số lượng các cháu đông (267 học sinh ăn, ngủ tại trường) nên điều kiện phòng ngủ chưa đáp ứng được. Ánh sáng cho các cháu học buổi tối vì thế cũng không bảo đảm. Nhà trường vẫn sử dụng củi làm chất đốt, nên đến bữa ăn tại nhà bếp vẫn còn nhiều khói bụi ảnh hưởng đến các cháu, cơm canh vì thế không được thật sự sốt dẻo. Ước mong của nhà trường là có được nồi hơi, được đun nấu bằng gas hay bếp điện...
Còn tại xã Chiềng Sơn (thuộc địa bàn huyện Mộc Châu) dù điều kiện vật chất có khá hơn, nhưng vị trí địa lý lại cách trở. Ở xã biên giới này, vượt qua đỉnh Pha Luông là sang tới đất bạn Lào, bà con ở đây chủ yếu là người Mông, người Thái và người Khơ Mú sinh sống. Vì phong tục, tập quán nên theo thầy giáo Đặng Nhân Tây, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Xuân, trước đây, các em phải nghỉ học nhiều, do bố mẹ đi lên nương từ sớm không đưa được đến trường. Thêm nữa, nhiều phụ huynh học sinh không biết tiếng phổ thông và các thầy cô ở đây đa phần đều từ thị trấn Mộc Châu lên giảng dạy nên gặp khó khăn trong giao tiếp và vận động đưa học sinh đến trường nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội biên phòng.
Nỗ lực của người lính nơi biên cương
Gắn bó với Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương đến nay cũng được 6 năm (từ năm 2015), theo chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Sơn La phát động, Thượng úy Lìu Láo Lanh, Ban công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Chiềng Tương, góp phần giúp tỷ lệ học sinh nghỉ học giảm hẳn. Thượng úy Lanh chia sẻ, đến nay anh cũng đã có hơn 15 năm tuổi quân, trước khi về Đồn Biên phòng Chiềng Tương thì đã có 10 năm đóng quân ở Đồn Biên phòng Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La).
“Công việc khi đó hoàn toàn khác, không liên quan đến dạy học. Được phân công về đây, trực tiếp làm công việc cắm bản, hỗ trợ các em học sinh bám trường, bám lớp ban đầu khó khăn lắm”, Thượng úy Lanh nói .
Theo Thượng úy Lanh, những ngày đầu, học sinh trốn học giữa giờ đi chơi rất nhiều. Vì cùng là người dân tộc Mông, hiểu được phong tục tập quán của địa phương nên anh đi vận động từng em. “Mưa dầm thấm lâu”, từ cái tình, cái lý của người chiến sĩ mang quân hàm xanh, các em học sinh đến lớp đầy đủ hơn.
“Một số trường hợp bỏ học, mình phải đến tận nhà tìm hiểu. Lý do đưa ra nhiều lắm. Có em nghỉ học để phụ giúp bố mẹ, có em nghỉ học để lấy chồng. Những trường hợp như vậy, tôi đều kết hợp cùng thầy cô giáo để giảng giải, động viên. Có những trường hợp khó khăn thì báo cáo đơn vị để hỗ trợ cho các em. Nhờ đó, tỷ lệ nghỉ học, bỏ học giảm hẳn”, Thượng úy Lanh kể.
Theo thầy giáo Hiền, dù nhà cách trường có 2km, nhưng không mấy khi Thượng úy Lanh được về. Bám bản, bám trường, ngoài công việc vận động học sinh không bỏ học, hằng sáng anh dậy sớm đi các phòng hướng dẫn các em gấp chăn màn, sắp xếp quần áo, sách vở để lên lớp đúng giờ. Tối đến, anh cùng các thầy cô kèm học sinh những bài khó. Nhờ có bộ đội biên phòng, các em đã có nền nếp tốt, yêu trường, yêu lớp. Qua các cuộc giao lưu, chơi trò chơi, sinh hoạt bán trú, các em còn được hướng dẫn các kỹ năng sống, biết phòng, chống nạn tảo hôn...
Thông tin thêm về điều này, Trung tá Phùng Trọng Khiêm, Phó Trưởng đồn biên phòng Chiềng Tương cho biết, ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thì các chiến sĩ của Đồn còn tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cùng với việc thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường”, Đồn còn thực hiện mô hình giúp dân trồng 2.000 gốc mận hậu trên diện tích 4,7ha, mang lại hiệu quả cao, được bà con ghi nhận.
Tương tự, mô hình hỗ trợ giúp đỡ học sinh vùng cao đến trường cũng được Đồn Biên phòng Chiềng Sơn thực hiện hiệu quả. Ngoài giờ dạy học, giúp đỡ các em trong việc chăm sóc bản thân, hằng tuần vào chiều thứ năm và thứ sáu, Đồn còn cử 2 chiến sĩ tới cắt tóc cho các em. Cô giáo dạy toán Hoàng Thị Hồng Nhung cho biết, các em rất háo hức, quây quanh các chú bộ đội để được chờ tới lượt mình. Những lúc rảnh, các chú còn dạy các em chơi trò chơi, đứng ra làm trọng tài phân định thắng thua...
Nhờ có động lực từ trường, lớp và tình cảm của các chú bộ đội, học sinh của trường mỗi ngày một ngoan, tình cảm, lễ phép khiến cho đội ngũ giáo viên của trường thêm yêu, thêm gắn bó với bục giảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.