(HNM) - Hành trình dài của những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ có “H” (bị nhiễm vi rus HIV) tại Cơ sở cai nghiện ma túy số II thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đóng trên địa bàn xã Yên Bài (huyện Ba Vì), đã thu được những “trái ngọt” đầu mùa.
“Trái ngọt” đầu mùa
Một ngày của gần 80 trẻ có “H” tại Cơ sở cai nghiện ma túy số II bắt đầu khi mặt trời mới nhú trên đỉnh núi Ba Vì, sương sớm giăng giăng trên những đồi chè xanh ngắt. Ngày nào cũng vậy, các con thức dậy trước 6h sáng, vệ sinh cá nhân, uống thuốc, ăn sáng rồi chuẩn bị đồ dùng, sách vở đi học. Anh, chị lớn đi xe đạp điện đến trường cách “nhà” vài kilômét. Em nhỏ học tại “nhà”.
Lớp học dành cho trẻ có “H” tại Cơ sở cai nghiện ma túy số II. |
Lớp 1 và 2 của cô giáo Đinh Thị Thủy có 8 học sinh ngồi chăm chú nghe giảng. Khi cô giáo dạy học sinh lớp 2, các con lớp 1 tập đánh vần, ghép vần. Khi cô dạy lớp 1, anh, chị lớp 2 viết những phép tính cộng, trừ ra vở nháp, tập trung làm bài. Học sinh lớp 3 và 4 do cô Phùng Thúy Hà chủ nhiệm nỗ lực tiếp thu kiến thức mới của môn lịch sử, địa lý. Lớp 5 của thầy Nguyễn Ngọc Hương có 5 học sinh là 5 cá tính khác biệt. Con hoạt bát, vui tươi; con trầm lặng, sâu sắc; con hồn nhiên, nhí nhảnh… Tuy vậy, lớp học luôn sôi nổi. Ngoài kiến thức phổ thông, các con còn được thầy, cô nói chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, dạy kỹ năng sống…
Sau giờ học, các con được đội ngũ cán bộ, nhân viên Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà các con thường gọi là bố, mẹ chăm chút từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến hoạt động vui chơi, giải trí. Công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em có “H” vô cùng vất vả, nhưng các mẹ gắn bó với các con nhiều thành quen, rồi yêu thương bằng thứ tình cảm khó có thể diễn tả bằng lời. “Không ít người hỏi chúng tôi, gắn bó với công việc dạy trẻ có “H” không sợ ư, không ngại vất vả ư? Chúng tôi vẫn thường trả lời rằng sự vất vả thì kể cả ngày không hết, nhưng niềm vui luôn đong đầy. Với các con, chúng tôi không chỉ là giáo viên, mà còn là cha, mẹ, người thân, là cán bộ y tế… Nhìn các con khỏe mạnh, khôn lớn, chúng tôi thấy ấm áp, vui mừng tương tự như người trồng giống cây rất khó chăm sóc khi thu được những trái ngọt đầu mùa”, chị Đinh Thị Thủy tâm sự.
Nhờ sự chăm sóc, dạy bảo ân cần của đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Yên Bài B và cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số II; sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành chức năng, sự sẻ chia của cộng đồng xã hội, những đứa trẻ có “H” dần khôn lớn, trưởng thành. Chị Đào Thị Huyền, Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cho biết, từ năm 2006 đến nay, tất cả các con có “H” được đưa vào chăm sóc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số II đều phát triển tốt. Từ những đứa trẻ ốm yếu, hiện nay Phạm Đình Đ., Triệu Thanh T. trở thành thanh niên khỏe mạnh, đang học lớp 12 tại Trường THPT Ba Vì; một số đã đi học nghề, đi làm, tự nuôi sống bản thân.
Ước mơ hòa nhập
Trực tiếp đến Cơ sở cai nghiện ma túy số II mới thấy rõ sự quan tâm của toàn xã hội đến trẻ em có "H". Nơi các con học tập, sinh hoạt, vui chơi là những dãy nhà kiên cố, rợp bóng cây xanh. Trong phòng có đầy đủ trang bị thiết yếu. Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số II cho biết: Hiện nay, đời sống vật chất của các con tương đối đầy đủ. Ngoài sự quan tâm của Nhà nước, các con thường xuyên được những tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong nước, quốc tế tặng học bổng, tặng quà, được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng. Về chăm sóc sức khỏe, các con được hỗ trợ thuốc điều trị bệnh, có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế túc trực chăm sóc 24/24 giờ nên mọi loại bệnh đều được phát hiện, chữa trị kịp thời. Điều các con cần nhất hiện nay là cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Trên thực tế, một số lớp dạy nghề ngắn hạn đã được mở, một số đơn vị, tổ chức đã cử tình nguyện viên lên Cơ sở cai nghiện ma túy số II hướng dẫn các con học nghề thủ công nhưng chưa thành công, vì nhiều lý do...
Gắn bó với các con từ khi Cơ sở cai nghiện ma túy số II thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có “H” (năm 2002) đến nay, chị Nguyễn Thị Minh thấu hiểu mọi mong muốn, nguyện vọng của các con ở đây. Theo chị Minh, dù rất cố gắng, sức khỏe của các con không thể ổn định như trẻ bình thường. Do đó, việc hướng nghiệp, dạy nghề cho các con cần linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường và sức khỏe của người có “H”. “Ở thời điểm này, nghề phù hợp với các con nhất có lẽ là máy tính văn phòng, thiết kế đồ họa. Làm nghề này, các con có thể ngồi trong phòng, làm việc độc lập, không ảnh hưởng đến những người xung quanh, đặc biệt là hạn chế nguy cơ bị thương dẫn đến chảy máu khiến sức khỏe bị suy giảm”, chị Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Để triển khai dạy nghề máy tính văn phòng hay bất kỳ nghề nào khác phù hợp với người có “H”, cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng. Trong quá trình học nghề, người có “H” cần nhận được sự hỗ trợ từ khâu hướng nghiệp, đào tạo cho đến khi làm việc... “Dù cả xã hội đã và đang chung tay hành động phòng, chống HIV/AIDS nhưng đâu đó vẫn còn một số người có tâm lý e dè khi biết đồng nghiệp có “H”. Bản thân người có “H” cũng chưa đủ tự tin và khả năng tự hòa nhập. Vì thế, các cơ quan chức năng cần tạo “giá đỡ” giúp người có “H” hòa nhập từng bước một”, chị Đào Thị Huyền kiến nghị.
Đến thăm Cơ sở cai nghiện ma túy số II, chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc, lắng nghe nhiều câu chuyện về trẻ em có “H”. Mỗi con một hoàn cảnh, nhưng khi đến đây, các con được yêu thương, chăm sóc, giáo dục như nhau. Nỗi đau trong các con vơi dần, niềm vui, hạnh phúc nhân lên theo ngày tháng. Mong rằng, những cán bộ, giáo viên được các con gọi là bố, mẹ tiếp tục duy trì lòng yêu nghề, tình yêu thương các con như người ruột thịt để các con được sống trong không khí gia đình ấm áp. Hy vọng, các cơ quan, đơn vị chức năng và cộng đồng tiếp tục đồng hành, tiếp sức cho các con đủ tự tin hòa nhập, làm chủ cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.