Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố quan hệ liên minh

Thùy Dương| 19/04/2018 06:35

(HNM) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm Mỹ từ ngày 17 đến 20-4. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác an ninh kinh tế song phương là chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự.

Thủ tướng Nhật Bản S.Abe (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump tại khu nghỉ mát MaraLago, Mỹ ngày 17-4.


Lâu nay, Thủ tướng S.Abe và Tổng thống Donald Trump vẫn được cho là có chung quan điểm cứng rắn trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Năm ngoái, sau nhiều lần Triều Tiên phóng tên lửa bay qua đảo Hokkaido ở cực Bắc Nhật Bản hoặc rơi gần lãnh thổ Nhật Bản, Tokyo đã dự trù khoản ngân sách quốc phòng cao kỷ lục cho tài khóa 2018. Là quốc gia láng giềng của Triều Tiên, Nhật Bản luôn coi việc Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân là mối đe dọa lớn về an ninh.

Đó cũng là lý do thời gian qua, Nhật Bản nhiều lần cảnh báo việc Triều Tiên đưa ra đề nghị đối thoại phi hạt nhân hóa với Mỹ. Đây có thể là cách để kéo dài thời gian, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế duy trì áp lực ở mức cao nhất buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Tuy nhiên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có sự thay đổi nhanh chóng. Một loạt động thái giữa các nước liên quan trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng như chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh hồi tháng 3, cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 dự kiến vào ngày 27-4... buộc chính quyền Tokyo phải suy xét lại quan điểm. Việc Bình Nhưỡng chủ động đề nghị và thực hiện các cuộc gặp cấp cao Trung - Triều, liên Triều và Mỹ - Triều mà không đề cập đến Nhật Bản, khiến Tokyo cảm thấy bị gạt ra khỏi tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Do đó, trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng S.Abe muốn khẳng định vai trò và tiếng nói của Nhật Bản trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, với những bảo đảm từ phía Mỹ về an ninh của Nhật Bản. Tokyo lo ngại, nếu Mỹ và Triều Tiên đạt tiến bộ về từ bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ, năng lực tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên vẫn có thể đặt ra mối đe dọa với Nhật Bản.

Một quan chức Chính phủ Nhật Bản thừa nhận, rất khó để buộc Triều Tiên chấp nhận mọi điều kiện Nhật Bản nêu ra, song vẫn cần đưa ra một đề nghị với Mỹ khi nói về quan hệ ngoại giao tương lai với Triều Tiên. Rõ ràng, vấn đề Triều Tiên giữ vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản và cũng là yếu tố tác động tới liên minh quân sự Mỹ - Nhật Bản.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, Thủ tướng S.Abe sẽ thảo luận với Tổng thống D.Trump về tầm quan trọng của thương mại tự do đa phương. Thời gian gần đây, có hai yếu tố ảnh hưởng lớn tới quan hệ thương mại Nhật Bản và Mỹ. Đó là vấn đề Nhật Bản không được hưởng quy chế miễn trừ thuế với mặt hàng nhôm, thép và sự kiện Tổng thống D.Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo S.Abe sẽ đề nghị Tổng thống D.Trump đưa Nhật Bản vào danh sách các nước được miễn thuế nhập khẩu với lý do các sản phẩm thép của Nhật Bản đã giúp sản phẩm ô tô của Mỹ có giá thành rẻ và cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống D.Trump đánh tiếng về việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là yếu tố thuận lợi để Nhật Bản cân bằng lại quan hệ với Mỹ với tư cách là một đồng minh chủ chốt.

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, chuyến công du Washington của Thủ tướng S.Abe đã phát đi thông điệp rằng, củng cố mối quan hệ với đồng minh Mỹ là ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Tokyo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Củng cố quan hệ liên minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.