(HNM) - Chỉ diễn ra trong hai ngày (7 và 8-4), chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Đức vừa đủ để khẳng định, Đức là đối tác chủ chốt của Nga tại Châu Âu bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; đồng thời phát đi tín hiệu quan trọng về quan hệ hợp tác Đông - Tây.
Tổng thống Nga V.Putin (trái) và Thủ tướng Đức A.Merkel trước giờ khai mạc Hội chợ công nghiệp tại Hanover, ngày 7-4. |
Dự lễ khai trương Hội chợ Hanover Fair - hội chợ công nghiệp lớn nhất thế giới - là một điểm nhấn trong chuyến công du của người đứng đầu điện Kremlin. Năm nay Nga là đối tác chính của hội chợ với sự tham gia của 160 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp, năng lượng, sinh thái, công nghệ... Phát biểu khai mạc hội chợ, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel tuyên bố, sự tham gia của Nga là một bộ phận cấu thành quan hệ hợp tác chính trị Nga - Đức; đồng thời là bằng chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia. Nga là một nước lớn, cần có sự đầu tư lớn, vì vậy Đức sẵn sàng hỗ trợ hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế Nga, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học, phát minh sáng chế, đào tạo nguồn nhân lực… Trên thực tế, hai nền kinh tế Nga - Đức đang bổ sung cho nhau, cùng phát triển và hướng đến hợp tác trong những lĩnh vực công nghệ cao và những ngành đòi hỏi khoa học chuyên sâu mà hai nước đều rất mạnh. Những dự án đầu tư như vậy được cho là có ý nghĩa với cả hai quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Theo chiều dài lịch sử, hai nền kinh tế Nga - Đức luôn là bộ phận không thể tách rời trong một Châu Âu thịnh vượng. Kể từ khi Liên Xô tan rã, Đức luôn được xem là một trong những cường quốc phương Tây có quan hệ thân thiện với Mátxcơva và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư nước ngoài, đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Ngược lại, Nga cũng xem nước Đức là khách hàng lớn nhất trong lĩnh vực khí đốt; đồng thời là đối tác ủng hộ có ảnh hưởng tích cực cho lợi ích của Nga ở phương Tây.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và sự bấp bênh của thị trường năng lượng hiện nay, Đức càng cần quan hệ ổn định với Nga như một nhân tố quyết định và mang ý nghĩa sống còn. Với nền kinh tế xuất khẩu như Đức, thị trường Nga càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong thời buổi khủng hoảng hiện nay. Về phần Nga, hợp tác chặt chẽ với một trụ cột phương Tây sẽ mang lại những lợi ích không nhỏ. Vì vậy, sau một thời gian nguội lạnh do những bất đồng chính trị, quan hệ giữa hai quốc gia đã nồng ấm trở lại. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phát triển thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai cường quốc đang mang lại hy vọng trên bầu trời u ám của bức tranh kinh tế Châu Âu. Năm 2012, giá trị giao dịch thương mại Nga - Đức đạt mức kỷ lục 73,9 tỷ USD và hai nước kỳ vọng sẽ nâng lên 100 tỷ USD trong tương lai gần, phần lớn sẽ tập trung vào các lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga sang Châu Âu và xuất khẩu ô tô, máy móc và hàng tiêu dùng của Đức vào Nga. Trao đổi hàng hóa đạt ở mức rất cao và đang tăng mạnh giữa Nga và Đức đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới; đồng thời mang lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ gia đình của cả hai nước từng một thời là đối thủ.
Đặc biệt, hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng Nga - Đức - như một chiến lược chung xuyên quốc gia - không ngừng được củng cố và phát triển. Theo giới quan sát, sau khi Đức thông báo từ bỏ năng lượng hạt nhân trong 10 năm tới, nước Đức sẽ cần nhiều hơn khí đốt từ Nga. Hiện Nga đang cung cấp cho Đức 40% nhu cầu về khí đốt và 30% nhu cầu về dầu mỏ. Hai bên đang cùng thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn; trong đó có đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc", mà nhánh thứ hai của dòng chảy đã được khánh thành vào ngày 8-10 năm ngoái có thể nâng công suất vận chuyển khí đốt của Nga vào Châu Âu lên tới 55 tỷ m³/năm.
Chuyến công du Đức của Tổng thống V.Putin cùng sự hiện diện mạnh mẽ của Nga tại Đức trước những sự kiện quan trọng sắp tới như Thế vận hội mùa Đông 2014 và Nga sẽ trở thành Chủ tịch G20 trong năm nay…, xứ Bạch dương tiếp tục cho thế giới thấy một nước Nga không đổi hướng trong nỗ lực trở thành một cường quốc về kinh tế hàng đầu thế giới; đồng thời tiếp tục củng cố quan hệ tin cậy Đông - Tây thông qua đối tác truyền thống Nga - Đức đang được làm cho ngày càng sâu sắc và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.