Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng chia sẻ khó khăn

Gia Khánh| 03/11/2022 06:00

(HNM) - Trong tháng 9 và 10-2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất điều hành, nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm nguồn vốn để giữ an toàn thanh khoản cũng như có điều kiện cung ứng vốn cho nền kinh tế; kiểm soát lạm phát thông qua giảm tổng cầu, giảm áp lực giá cả; tăng hấp dẫn của đồng nội tệ để giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD. Việc điều chỉnh lãi suất phù hợp với xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao, khi hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Tất nhiên, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Từ đó dẫn đến lo ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Giải đáp về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có quy định trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện đều có thể tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp hơn thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạn mức tín dụng theo hướng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất hoặc kinh doanh mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế.

Tuy vậy, làm thế nào để hài hòa trong điều hành chính sách, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp cũng là bài toán cần tính đến. Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, trong lãnh đạo điều hành, không chuyển trạng thái một cách đột ngột, tôn trọng quy luật; phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Điều đó có nghĩa, trong điều hành, cơ quan quản lý phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt trước khi đưa ra quyết định, vừa bảo đảm mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh sức ép lạm phát và tỷ giá lớn như hiện nay, chính sách tiền tệ càng phải điều hành thận trọng, chắc chắn, linh hoạt và đặc biệt phải kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa. Đó là gói kích cầu nền kinh tế, là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn vốn đầu tư công… Đây là nguồn vốn từ ngân sách, là dư địa để bổ sung cho nền kinh tế khi chính sách tiền tệ cần thắt chặt. Trong đó, gói hỗ trợ 2% lãi suất cần triển khai nhanh hơn, bởi đây là chính sách thiết thực giúp giữ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành ban hành quy định, hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất tín dụng nhưng số liệu giải ngân đến nay còn thấp. Điều đó cho thấy dư địa chính sách còn nhiều nhưng mặt khác đòi hỏi các cấp, ngành chủ động, quyết liệt gỡ mọi vướng mắc, rào cản để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Về phía doanh nghiệp, việc chủ động ứng phó cũng là vấn đề được đặt ra. Đó là việc tái cấu trúc và đa dạng hóa nguồn vốn, quản trị rủi ro tài chính, luôn luôn có sẵn phương án phù hợp để duy trì sản xuất, kinh doanh và hạn chế tác động khi lãi suất, tỷ giá biến động. Về lâu dài, thị trường vốn cần sớm hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, để giúp doanh nghiệp huy động nguồn vốn dài hạn. Từ đó, tín dụng ngân hàng chuyển hướng sang hỗ trợ ngắn hạn đúng với chức năng. 

Thực tế đã chứng minh, càng khó khăn càng phải đoàn kết, chia sẻ. Nhà nước chia sẻ với người dân, doanh nghiệp, doanh nghiệp chia sẻ với Nhà nước để cùng vượt qua khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cùng chia sẻ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.