(HNM) - Theo thống kê của Bộ Xây dựng, thị trường xi măng trong nước vẫn ở tình trạng cung vượt cầu khoảng 20%. Trong khi, xuất khẩu xi măng đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực, nếu không có những giải pháp kịp thời chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của ngành công nghiệp quan trọng này.
Cung vượt cầu
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2016, tổng công suất 78 nhà máy xi măng đạt gần 87 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ đạt 75,2 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ nội địa gần 60 triệu tấn, tăng 6,2%. Tuy nhiên, trên thị trường xi măng, cung hiện vẫn vượt cầu khoảng 20%.
Xuất khẩu xi măng đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực. Trong ảnh: Cảng xuất của Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch. Ảnh: Lê Hằng |
Thực tế, tình trạng cung vượt cầu ở thị trường xi măng đã diễn ra trong nhiều năm qua. Giai đoạn năm 2013-2014 được coi là giai đoạn khó khăn nhất của Ngành Xi măng bởi tác động từ thị trường bất động sản “đóng băng”. Nhiều dây chuyền sản xuất xi măng hoạt động cầm chừng; một số dự án xi măng mới không những không tiêu thụ được còn phải chịu sức ép lớn từ việc trả lãi suất, vốn vay đầu tư. Có dự án nhà máy xi măng lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong bối cảnh đó, nhiều dự án xi măng đã phải dừng đầu tư, rút khỏi quy hoạch. Năm 2015-2016, tình hình sản xuất đã cải thiện hơn nhờ kinh tế trong nước hồi phục. Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong nước, đã có mức tiêu thụ trung bình tăng 11%, đạt 26 triệu tấn trong năm 2016, để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Vicem Trần Việt Thắng, tổng sản phẩm trong nước vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng cũng thấp hơn mức tăng năm 2015 nên khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung tính toán, với các dự án đang được đầu tư và theo quy hoạch, lượng cung xi măng đến năm 2020 có thể vượt cầu khoảng 35 triệu tấn. Chủ trương của Chính phủ đến năm 2030, xuất khẩu xi măng, clinke chiếm 20-30% tổng công suất.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, tình hình tiêu thụ xi măng năm 2017 còn khó khăn, xu hướng đầu tư vào xi măng còn tăng, do đó, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án phát triển vật liệu xây dựng; theo dõi diễn biến thị trường để bảo đảm cân đối cung cầu. |
Sức ép cạnh tranh xuất khẩu
Trong bối cảnh cung vượt cầu, xuất khẩu được coi là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp sản xuất xi măng đẩy mạnh tiêu thụ. Thực tế, giai đoạn thị trường bất động sản “đóng băng” ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước, xuất khẩu xi măng đã đạt mức 21 triệu tấn. Tuy nhiên, sang năm 2015, xuất khẩu xi măng giảm gần 20% chỉ đạt mức 16,2 triệu tấn; và sang năm 2016, xuất khẩu xi măng giảm tiếp 5,9%. Theo ông Trần Việt Thắng giá nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động, trong khi thị trường xuất khẩu liên tục chịu áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực, khi Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng trong nước chứ không chỉ riêng Vicem.
Đặc biệt, vừa qua, một số quy định được sửa đổi, trong đó, mặt hàng xi măng khi xuất khẩu không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và chịu thuế xuất khẩu 5%, có thể khiến chi phí xuất khẩu tăng 4-5 USD/tấn clinke; khoảng 7,5 USD/tấn xi măng. Việc tăng chi phí này càng làm cho xi măng Việt Nam khó có cửa cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Theo thống kê, xi măng Thái Lan thâm nhập thị trường quốc tế đã lâu, có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và vận chuyển nhanh. Thái Lan có khoảng 11 nhà máy xi măng, công suất hơn 46 triệu tấn mỗi năm, thấp hơn Việt Nam, nhưng lượng xuất khẩu chiếm tới 3/4 sản lượng, khoảng 34 triệu tấn mỗi năm cao hơn rất nhiều so với năm “đỉnh cao” xuất khẩu của Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Trần Quang Cung đánh giá, việc tăng chi phí xuất khẩu có khả năng đẩy áp lực xuất khẩu trở lại tiêu thụ nội địa. Vì vậy, nếu phải chịu thuế xuất khẩu, cần có sự công khai, minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực, thiệt thòi cho đơn vị sản xuất xuất khẩu. Trong khi đó, Vicem yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung tối ưu nguồn lực, cải thiện hệ thống phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, rà soát chính sách bán hàng, chiết khấu, khuyến mãi theo từng chủng loại sản phẩm, thời điểm tiêu thụ, tìm kiếm khách hàng lớn cho xuất khẩu. Vicem cũng có kế hoạch trung và dài hạn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước (phấn đấu tăng tối thiểu 15% trong năm 2017) và duy trì xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.