(HNMO) - Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, ở nước ta từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là khoảng thời gian đỉnh điểm cho bệnh dịch bùng phát. Trong đó cảm cúm và tiêu chảy là 2 nhóm bệnh nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
Nhiều trẻ em nhập viện vì dịch bệnh bùng phát trong mùa hè |
“Việt Nam đã thanh toán được dịch bệnh đậu mùa, bại liệt và uốn ván ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên với sự biến đổi phức tạp của khí hậu, cùng môi trường sống chật chội tại các đô thị lớn, thì các vi khuẩn vi rút gây bệnh mới có khả năng tấn công và bùng phát dịch mạnh mẽ hơn”. Đó là chia sẻ của ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ y tế tại Hội thảo “Tăng cường phòng chống dịch bệnh trước sự biến đổi phức tạp của các tác nhân gây bệnh do virut, vi khuẩn” được Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức.
Trong giai đoạn năm 2010-2014, tính riêng từ tháng 5 đến tháng 8, cả nước ghi nhận hơn 435.703 trường hợp bị cúm – chiếm vị trí cao nhất trong 10 loại dịch bệnh bùng phát vào mùa hè gồm: cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, Adenovirut, lỵ, amip, viêm não virus, thương hàn... Bệnh tiêu chảy xếp thứ hai với 252.240 ca bệnh.
Ông Trần Đắc Phu chỉ rõ cúm và tiêu chảy là những căn bện lây lan bằng đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay, nên rất khó phòng trừ. Nguy hiểm hơn, cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh cúm, do đó ông Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân, để dập dịch cúm nói riêng và các dịch bệnh khác bùng phát trong thời gian này, không nên xem đây trách nhiệm riêng của ngành y tế mà đòi hỏi sự nỗ lực tham gia hợp tác của cả cộng đồng. Tại Hội thảo này, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã kêu gọi báo chí, truyền thông tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế tiếp tục tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của các dịch bệnh bùng phát trong mùa hè cho người dân đề phòng.
Ông Trần Đắc Phu cũng đưa ra khuyến cáo: “Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động ngừa lây lan bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân. Trong đó quan trọng nhất là sử dụng nước sạch, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa nơi ở thông thoáng, sạch sẽ để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”. Mặt khác, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, không trông chờ đợi vắc xin dịch vụ dẫn đến trẻ bị mắc bệnh, từ đó dịch bệnh có thể bùng phát rộng rãi.
Tại Hội thảo này, ông Trần Đắc Phu – đại diện cho Bộ Y tế Việt Nam đã cảm ơn sự tài trợ, giúp đỡ của Quỹ Unilever cho dự án đến năm 2020 đưa 20 triệu trẻ em Việt Nam thoát khỏi nguy cơ bệnh tật do vi rút, vi khuẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.