(HNMO) - Ngày 23-9, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) đã tổ chức cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp, đơn vị chủ hàng, cảng biển… liên quan đến vụ việc Hãng tàu Hanjin Shipping Global (viết tắt là HJS) của Hàn Quốc đệ đơn xin phá sản.
Đại diện Hãng tàu Hanjin Shipping Global tại Việt Nam phát biểu tại buổi họp ngày 23-9 tại TP Hồ Chí Minh. |
Tại cuộc họp, đại diện nhiều công ty, từ giao nhận vận tải, chủ hàng cho đến hoa tiêu, cảng biển… kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu và Cục Hàng hải Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác nhận công nợ của HJS, phong tỏa, tạm giữ tài sản của HJS để gây áp lực đối với HJS, qua đó giảm nhẹ thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện có nhiều container không phải là tài sản của HJS mà của các đơn vị khác cho thuê lại; việc bắt giữ, cầm giữ tàu của HJS tại Việt Nam phải có lệnh của tòa án. Trong thời gian đó, các Cảng biển Việt Nam cần cho phép tàu của HJS cập cảng, giải phóng nhanh hàng hóa để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện VASEP vẫn còn hơn 150 container hàng (xuất khẩu đông lạnh, chủ yếu đến Mỹ) do HJS vận chuyển lênh đênh trên biển. Thế nhưng, VASEP hiện không biết tình trạng như thế nào, có thông quan được hay không, có dỡ đúng hạn và giao cho khách hàng hay không. Từ đó, VASEP đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải gây áp lực với HJS để HJS cung cấp thông tin tình trạng hàng hóa, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động xử lý tình huống và tiến hành thương lượng, giảm thiệt hại.
Phát biểu kết thúc buổi họp, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, hệ lụy sự vụ HJS mang tính toàn cầu do đó rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước là không thể tránh khỏi, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm giải pháp xử lý hàng hóa trong các container ở ngoài lãnh thổ, khuyến khích cảng biển cho HJS đưa tàu biển vào để sớm dỡ hàng xuống cảng. Mặt khác, các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội chủ hàng, đơn vị giao nhận cần chủ động tìm hiểu, thu thập thông tin về tình trạng hàng hóa trên tàu của HJS cũng như các xử lý của các quốc gia đối với HJS để Việt Nam chủ động xử lý, khắc phục tình huống đến mức tối đa.
Đối với việc bắt giữ tàu của HJS, ông Nguyễn Đình Việt cho rằng, phải tuân thủ lệnh tòa án, pháp luật Việt Nam, Hàn Quốc và các thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trước mắt, Cục hàng hải Việt Nam sẽ tham mưu cho Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ thành lập Tổ Công tác giải quyết hệ lụy hãng tàu HJS.
Trước đó, ngày 20-9, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản đề nghị các Cảng vụ Hàng hải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng và doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải tại khu vực cảng biển để chủ động theo dõi sát tình hình tàu biển và container của Hãng tàu HJS vào cảng; đồng thời, lập kế hoạch và bố trí phương tiện hợp lý để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận và giải phóng hàng nhanh chóng và thuận lợi… Trong quá trình thực hiện có các vướng mắc, phát sinh gì thì liên hệ trực tiếp với Cục Hàng hải Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.