(HNM) - Thông tư 63/TT-BTC quy định về chế độ ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp (DN) chấp hành tốt pháp luật hải quan được Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 27-6-2011.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, khi được công nhận đủ tiêu chuẩn, DN được ưu đãi sẽ hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt khi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Dự kiến, năm 2011 sẽ có khoảng 50 DN được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt.
Làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Gia Thụy. Ảnh: Huyền Linh |
- Xin ông cho biết, để được vào danh sách ưu tiên, DN phải đáp ứng những điều kiện gì?
- Theo Thông tư 63, doanh nghiệp ưu tiên (DNƯT) phải đáp ứng đủ 7 điều kiện. Cụ thể, DN phải có quá trình 36 tháng không bị hoặc bị xử lý vi phạm hành chính không quá 3 lần với mức phạt không quá 20 triệu đồng/lần, không kèm các hình thức phạt bổ sung; có kim ngạch xuất, nhập khẩu tối thiểu 500 triệu USD/năm với DN xuất nhập khẩu tổng hợp và có kim ngạch xuất khẩu tối thiểu 100 triệu USD/năm với DN xuất khẩu hàng thủy sản, nông sản, dầu thô có xuất xứ thuần túy Việt Nam. Riêng DN sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ được xét ưu tiên với từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, DN phải thực hiện chế độ kế toán minh bạch, hoạt động kinh doanh có lãi, thực hiện thanh toán qua ngân hàng với tất cả hàng xuất nhập khẩu, thực hiện hải quan điện tử và tự nguyện đề nghị được công nhận là DNƯT.
- Tiêu chí chọn DNƯT như trên dường như quá khắt khe, sẽ khó cho DN nhỏ và vừa, vậy lượng DN được ưu đãi sẽ rất ít?
- Do quyền lợi được hưởng của DNƯT rất lớn nên cơ quan chức năng phải chọn kỹ. Đối tượng cần hỗ trợ chính là DN xuất khẩu thủy sản, nông sản, với kim ngạch xuất khẩu hằng năm lớn. Căn cứ vào những dữ liệu của cơ quan hải quan về quá trình tuân thủ pháp luật của DN, dự kiến trong năm nay có khoảng 50 DN lọt vào danh sách được ưu tiên. Để đáp ứng được những điều kiện khắt khe mà Tổng cục Hải quan đưa ra, hầu như chỉ có DN lớn, DN FDI mới đủ điều kiện. Thực tế tại các quốc gia đang áp dụng chế độ này cho thấy, tối đa cũng chỉ có khoảng 200-300 DN được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt.
- Khi đã được đưa vào danh sách, liệu DN có lợi dụng những ưu đãi đặc biệt để gây thất thu ngân sách nhà nước?
- Nếu đủ tiêu chuẩn, DN được miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa khi xuất nhập khẩu cả bằng điện tử và thủ công (trừ khi có dấu hiệu vi phạm). Hải quan cũng không thành lập đoàn đến trụ sở DNƯT kiểm tra sau thông quan, nếu DN thông quan điện tử thì hồ sơ được phản hồi theo chế độ 24/24 giờ và cả 7 ngày trong tuần. Thông thường, DN phải nộp thuế, phí ngay khi hoàn thành tờ khai hải quan, mỗi tờ khai nộp một lần. Với DNƯT, sẽ được nộp phí hải quan, thuế một tháng/lần vào ngày tự đăng ký; được khai hải quan một lần để xuất, nhập khẩu nhiều lần. Nếu trong diện hoàn thuế, được hoàn thuế trước, kiểm tra sau... Như vậy, DNƯT được hưởng lợi rất lớn về thời gian và chi phí. Hàng hóa của họ cơ bản được thông quan ngay mà không phải kiểm tra thực tế.
Trong các điều kiện về DNƯT, khi họ đáp ứng các điều kiện đề ra nhưng nếu có cơ sở nào đó khiến cơ quan Hải quan không tin tưởng, DN sẽ không được ưu tiên. Thêm vào đó, để vào danh sách DNƯT, mỗi DN cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Về cơ bản, chỉ có những DN có quá trình tuân thủ pháp luật nghiêm túc mới đáp ứng được đầy đủ. Hơn nữa, cơ chế DNƯT sẽ được thí điểm trong 2 năm. Sau đó, Tổng cục Hải quan sẽ đánh giá, sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ phê duyệt cơ chế chính thức để áp dụng lâu dài.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.