(HNM) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Cung cấp thêm tiện ích trong mua sắm là giải pháp để ngành Du lịch tăng nguồn thu từ du khách. |
Vẫn phụ thuộc doanh nghiệp lữ hành
Mua sắm luôn là khâu quan trọng trong cả hệ sinh thái du lịch. Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội mới có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Theo Sở Du lịch Hà Nội, các cơ sở mua sắm và kinh doanh dịch vụ ăn uống này đều được công khai, phổ biến rộng rãi để giới thiệu cho du khách trong, ngoài nước và các công ty lữ hành, vận chuyển khách du lịch… Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng, sự kiện, chương trình về du lịch.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, về cơ bản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố đều bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện trong quá trình hoạt động, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch đến Hà Nội, nhất là du khách quốc tế. Tiêu biểu trong số này có Tan My Design, Hanoia, lụa cao cấp Lan Sơn Silk, lụa tơ tằm Phúc Hưng, hệ thống các trung tâm thương mại Vincom tại Hà Nội... Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cũng đã có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, được khách du lịch đánh giá cao như hệ thống quán ăn Ngon, nhà hàng CoCo Á, nhà hàng Chay Thiện Phát…
Ngoài ra, có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và ăn uống chưa đăng ký đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, nhưng vẫn có nguồn khách riêng. Anh Tạ Trung Kiên, một hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội, cho biết: "Việc đưa khách đến cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và ăn uống tại Hà Nội chủ yếu căn cứ vào địa điểm do công ty lữ hành chỉ định hoặc do các hướng dẫn viên khác chia sẻ. Tuy nhiên, việc này chủ yếu dựa vào yếu tố kinh nghiệm. Người đến trước cảm nhận mức độ phục vụ của cửa hàng, rồi giới thiệu cho người đến sau".
Từ thực tế trên cho thấy, việc phát triển hệ thống cửa hàng mua sắm, cơ sở ăn uống đạt chuẩn là rất cần thiết, qua đó góp phần thúc đẩy chi tiêu, tạo nên sự chuyên nghiệp, ấn tượng tốt để du khách có thể quay lại hoặc giới thiệu cho những người khác.
Lợi ích “kép”...
Lăn lộn nhiều năm trong lĩnh vực lữ hành, ông Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty Lữ hành VietBeauty Tours cho rằng, có thể du khách chưa biết nhiều về hệ thống cửa hàng đạt chuẩn, nhưng một cửa hàng đạt chuẩn có lợi thế nhất định so với các cửa hàng khác và sẽ giảm nguy cơ cho khách du lịch mua phải hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ.
Thực tế, không quá khó để đáp ứng tiêu chí của một cửa hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Theo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Du lịch năm 2017, cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm cần đáp ứng các tiêu chuẩn: Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật; thông tin rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa; niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và nhận thanh toán bằng thẻ do ngân hàng phát hành... Quy định này đã bỏ một số tiêu chuẩn trước đây như nhân viên phải mặc đồng phục, đeo phù hiệu tên trên áo; cửa hàng có diện tích tối thiểu 50m2, có nơi thử đồ…
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cũng đã bỏ quy định tiêu chuẩn phải phục vụ được tối thiểu 50 khách và có quầy bar. Ngoài ra quy định bổ sung tiêu chuẩn phải có thực đơn bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác (nếu cần) kèm theo hình ảnh minh họa; bếp phải có khu vực sơ chế và chế biến thức ăn riêng biệt; phòng ăn phải đủ sáng, có bàn ghế, đồ dùng sạch sẽ… Những tiêu chí này, nhiều doanh nghiệp có thể đáp ứng được, vấn đề là họ có muốn làm hay không và sẽ được gì khi cơ quan quản lý nhà nước công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Câu chuyện hồi tháng 4-2019 vừa qua ở Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho thấy, cơ sở mua sắm được lợi ích “kép” khi được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm đang hoàn thiện thủ tục để đưa 20 cửa hàng mua sắm vào danh sách đạt chuẩn phục vụ du khách. Khi đó, những cửa hàng này sẽ được ưu tiên đưa vào danh sách mua sắm của ứng dụng giới thiệu Bát Tràng trên điện thoại thông minh hay trang web về du lịch Bát Tràng. Điều này bảo đảm tính chính thống và cũng là lời cam kết của chính quyền về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, cách thức bán hàng của chính cửa hàng. Nhờ đó, khách hàng tìm được cửa hàng bảo đảm độ tin cậy và các cửa hàng sẽ tăng thu nhập. Theo ông Hà Văn Lâm, Phó ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng, người dân Bát Tràng muốn nhiều hơn 20 cửa hàng được đưa vào danh sách này, bởi họ đã nhìn thấy lợi ích của việc tham gia.
Về góc độ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch Hà Nội rất muốn tăng số cơ sở mua sắm, ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, song đây là việc tự nguyện, không bắt buộc. Do vậy, rất cần các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiểu lợi ích của việc này, tích cực tham gia để tăng tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách, tạo ấn tượng tốt cho du khách khi tới Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.