Luận đàm thời sự

Cũ với Nga, mới với châu Âu

Đại sứ Trần Đức Mậu 15/03/2024 - 07:00

Trong 3 ngày bầu cử năm nay, từ 15 đến 17-3, cử tri Nga sẽ bầu chọn ra tổng thống cho nhiệm kỳ 6 năm tới từ 4 ứng viên.

Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin là một trong số ấy và được cả trong lẫn ngoài nước Nga cho rằng chắc chắn sẽ thắng cử, thậm chí không những chỉ có thắng cử mà còn sẽ thắng cử một cách vang dội.

Ở tất cả các cuộc bầu cử không những chỉ ở Nga mà còn ở mọi nơi trên thế giới, kết quả bầu cử hay trưng cầu dân ý luôn phải được nhìn nhận trong sự tổng hòa của bốn nhân tố là bầu cử hay trưng cầu dân ý có thật sự tự do và minh bạch hay không, tức là có bị gian lận hay thao túng kết quả bầu cử hay không; là tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu; là ai thắng hay phe nào thua; là người thắng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao bao nhiêu. Những nhân tố trên quan trọng vì từ đó có thể thấy được tính hợp pháp, hợp hiến của kết quả bầu cử và mức độ ủng hộ thật sự của cử tri dành cho người đắc cử. Vì thế, tuy ông V.Putin đã chắc chắn sẽ lại đắc cử nhưng vẫn rất cần cuộc bầu cử tổng thống này và tỷ lệ phiếu bầu cao.

Ông V.Putin trở thành Tổng thống Nga trong những ngày cuối cùng của năm 1999 bằng cách được Tổng thống Nga chuyển giao quyền lực. Từ đó cho tới lần bầu cử tổng thống này, ông V.Putin có 4 nhiệm kỳ Tổng thống và 1 nhiệm kỳ Thủ tướng Nga.

Lần sửa đổi hiến pháp gần đây nhất ở Nga quy định nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm và một người chỉ có thể đảm trách liền hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp, nhưng tính từ sau khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực. Vì thế, ông V.Putin mới có thể ứng cử tổng thống lần thứ 5 và nếu đắc cử tổng thống năm nay thì có thể lại ứng cử tổng thống vào năm 2030, nếu lại đắc cử thì sẽ còn có thể tiếp tục cầm quyền ở Nga đến tận năm 2036.

Nhiệm kỳ cầm quyền thứ 5 của ông V.Putin đồng nghĩa với việc nước Nga về cơ bản sẽ tiếp tục như lâu nay về đối nội và đối ngoại bởi trong thực chất, cuộc bầu cử tổng thống này giống như cuộc trưng cầu dân ý về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của ông V.Putin.

Cử tri Nga bỏ phiếu bầu và để cho ông V.Putin tiếp tục cầm quyền vì ủng hộ những quan điểm chính sách của ông liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine cũng như liên quan đến cuộc đối địch quyết liệt giữa Nga với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đồng minh của phe này; ủng hộ những định hướng chính sách kinh tế và xã hội của ông cho nước Nga trong bối cảnh có chiến tranh với Ukraine và bị khối phương Tây trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính.

Những điều trên diễn ra đối với nước Nga, nhưng sẽ khác trước đối với châu Âu bởi sau khi có được sự ủng hộ sâu rộng của cử tri Nga và nền tảng quyền lực được củng cố vững chắc, ông V.Putin sẽ càng thêm tự tin trong cuộc đối kháng giữa Nga với phương Tây và càng quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ở Ukraine cho tới khi đạt được mọi mục tiêu đề ra khi phát động cuộc chiến tranh vừa bước sang năm thứ 3 này. Điều đó cũng còn có nghĩa là sẽ xuất hiện tình huống kịch bản mới đối với Mỹ, EU, NATO, Ukraine và đồng minh ở châu Âu, buộc phe cánh này phải mưu tính đối phó không chỉ cho thời gian trước mắt mà còn cho tới năm 2030, thậm chí có thể tới tận năm 2036.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cũ với Nga, mới với châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.