(HNM) - Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV khai mạc hôm nay (3-12), bên cạnh việc ghi nhận những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cử tri Thủ đô đã nêu 143 câu hỏi, ý kiến liên quan đến các lĩnh vực. Trong đó, cử tri mong muốn HĐND thành phố quan tâm, thảo luận, xem xét, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, an sinh xã hội; khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch, ô nhiễm môi trường…
Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và an sinh xã hội
Bám sát hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND thành phố cho thấy, nhóm vấn đề về chính sách, cơ chế hỗ trợ cho việc tích tụ ruộng đất; hỗ trợ kinh phí cho người trồng lúa; bố trí vốn đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung; bàn giao hệ thống tưới tiêu của các hồ đập cho địa phương quản lý… luôn được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị.
Trong đó, cử tri huyện Thanh Oai mong muốn thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11-7-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, trong đó có quy định hỗ trợ kinh phí cho người trồng lúa theo Khoản 1, Điều 8 của Nghị định này. Cử tri huyện Phú Xuyên đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ việc tích tụ ruộng đất để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn có hiệu quả.
Trong khi đó, cử tri các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng mong muốn thành phố sớm đầu tư vùng sản xuất rau tập trung; bàn giao hệ thống tưới tiêu các hồ đập cho địa phương quản lý để thuận lợi trong sản xuất.
“Dự án đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại xã Hương Ngải được phê duyệt năm 2014. Tuy nhiên đến nay, việc bố trí vốn cho dự án này vẫn chưa được giải quyết”, cử tri Khuất Đăng Khoa (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) nêu ý kiến.
Đề cập đến thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cử tri huyện Mỹ Đức đề nghị thành phố có văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu thanh niên xung phong hoạt động tại các công trường có phiên hiệu 114 ở các tỉnh, thành phố mới được Nhà nước công nhận.
Cử tri huyện Phú Xuyên đề nghị UBND thành phố xem xét, xác nhận phiên hiệu thanh niên xung phong cho đơn vị C3 - Cầu Giẽ. Lý do là năm 1966, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tây trước đây đã giao Tỉnh đoàn Hà Tây phối hợp với Huyện đội Phú Xuyên tổ chức thành lập đơn vị thanh niên xung phong lấy tên là C3 - Cầu Giẽ và trên thực tế đã tồn tại đại đội này cho đến khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết. Đến nay, các đội viên C3 - Cầu Giẽ đã cao tuổi, việc tập hợp tư liệu khó khăn nên chưa được thành phố xem xét xác nhận phiên hiệu cũng như các chế độ chính sách khác...
Quy hoạch và quản lý quy hoạch cần phù hợp thực tiễn
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở các tổ đại biểu HĐND thành phố, nhóm vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai, giao thông cũng được đề cập sâu. Trong đó, cử tri các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân đều mong muốn thành phố quan tâm đề xuất trung ương chỉ đạo quyết liệt để đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, đẩy nhanh tiến độ công trình đường bộ trên cao Ngã Tư Sở - Minh Khai để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư. Đặc biệt, cử tri quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy đề xuất thành phố nghiên cứu không cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng trong khu vực nội đô hiện hữu.
Cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) phản ánh, hiện nay nhiều tuyến đường quy hoạch phát triển chung cư cao tầng dày đặc, khiến giao thông ùn tắc, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Cùng với đó, việc cấp phép điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè tại địa bàn một số quận: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa phù hợp, càng làm giao thông ùn tắc vào giờ cao điểm.
Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được nhiều cử tri quan tâm. Trong đó, cử tri quận Bắc Từ Liêm đề nghị thành phố có kế hoạch di dời các nhà máy sản xuất đang nằm trong nội đô ra ngoại ô vì không còn phù hợp định hướng phát triển đô thị. Đối với Nhà máy Bê tông Chèm tại phường Thụy Phương, cử tri đề nghị cho chuyển đổi đầu tư xây dựng thành công viên cây xanh để hạn chế ô nhiễm môi trường và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Trong khi đó, cử tri các quận, huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hoài Đức đề nghị thành phố chỉ đạo kiểm tra, xử lý nguồn nước xả thải vào sông Bùi, sông Nhuệ, sông Đáy. Hiện nay, các sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt Trạm cấp nước sạch liên xã Trung Hòa - Trường Yên (huyện Chương Mỹ) được dẫn từ nguồn nước sông Bùi.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, những kiến nghị, mong muốn của cử tri là hoàn toàn chính đáng. Tại kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, các vấn đề cử tri quan tâm, đề cập sẽ được xem xét, thảo luận, quyết định. Đặc biệt, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, nông thôn sẽ được đưa vào nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.