Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú lừa mang tên Goldman Sachs

Vân Khanh| 19/07/2010 07:49

(HNM) - Vụ gian lận tài chính đeo bám ngân hàng đầu tư danh tiếng bậc nhất nước Mỹ suốt 3 tháng qua cuối cùng đã có những chuyển biến mang tính quyết định. Việc chấp thuận nộp khoản tiền phạt kỷ lục 550 triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) của Goldman Sachs được kỳ vọng sẽ là "tiếng còi mãn cuộc" cho cuộc chiến pháp lý ầm ĩ giữa SEC và gã khổng lồ Phố Wall.

Cáo buộc Goldman Sachs lừa dối khách hàng khi thông đồng với quỹ Paulson & Co đưa ra một hình thức đầu tư có tính chất lừa đảo hôm 16-4 được ví như cơn địa chấn làm rung chuyển trung tâm của nền kinh tế Mỹ. Vụ bê bối dần được đưa ra ánh sáng khi SEC đưa ra các bằng chứng cho thấy năm 2007, ông chủ Paulson của Paulson & Co đã "sáng chế" ra loại chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị rất cao, đồng thời tổ chức một loại hình bảo hiểm cho phép thu lãi lớn nếu các loại chứng khoán này giảm giá. Và kịch bản này không thể suôn sẻ nếu không có sự tiếp tay của Goldman Sachs. Ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ đã đồng ý đứng ra bán những loại chứng khoán trên cho các nhà đầu tư quen thuộc gồm nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài... đồng thời cố tình giấu nhẹm sự can dự của Paulson. Kết quả, thị trường tài sản thế chấp Mỹ sụp đổ và các nhà đầu tư dồn niềm tin vào Golman Sachs mất trắng 1 tỷ USD. Số tiền này chui thẳng vào túi của "cáo già" Paulson trong khi ngân hàng đầu tư quyền lực nhất Phố Wall chỉ nhận được 15 triệu USD từ Paulson & Co trong thương vụ mà thực tế cho thấy họ mất nhiều hơn được.

Ngay sau khi những tình tiết được che giấu kỹ lưỡng được hé lộ, cổ phiếu Goldman Sachs đã hạ 12,8%, khiến giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này bốc hơi tới 12 tỷ USD. Cổ phiếu của một loạt các tổ chức tài chính khác cũng vạ lây khi nối gót "người anh cả" của hệ thống ngân hàng Mỹ đồng loạt giảm sâu, đẩy chứng khoán Mỹ và toàn cầu vào thế trượt giảm khó cưỡng. Phải nói rằng, cũng từ thời điểm này, sóng gió thực sự nổi lên đối với "người hùng" của cơn bão khủng hoảng khi Goldman Sachs là một trong những tập đoàn tài chính hiếm hoi trên thế giới yên lành bước ra khỏi "mắt bão". Vận đen nối tiếp nhau, danh tiếng và uy tín tạo dựng suốt 141 năm qua của ngân hàng đặt trụ sở chính tại 200 West Street, Manhattan, New York bị đe dọa nghiêm trọng với tuyên bố từ các công tố Liên bang sẽ tiến hành điều tra hình sự đối với vụ gian lận.

Do đó, quyết định nộp hơn nửa tỷ USD, gồm 300 triệu USD tiền phạt và 250 triệu USD bồi thường cho nhà đầu tư sau khi cân nhắc thiệt hơn cho thấy dường như Goldman Sachs muốn chủ động dàn xếp ổn thỏa những bê bối được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng nhiều năm qua đối với ngân hàng này. Cho dù đây là mức phạt lớn nhất trong lịch sử SEC đối với một tổ chức tài chính tại Phố Wall, nhưng trên thực tế, con số này chưa tới 5% mức lãi ròng 12,2 tỷ USD của Goldman Sachs trong năm 2009. Điều đó cho thấy có vẻ như cái giá mà gã khổng lồ tài chính này phải trả để cứu lấy tiếng tăm của mình không phải là quá đắt.

Một lần nữa, động thái từ Goldman Sachs lại mang tới những hiệu ứng không ngờ. Thông tin từ SEC khẳng định vụ kiện đã được giải quyết đưa giá cổ phiếu của Goldman Sachs tăng 4,4% lên 145,22 USD/cổ phiếu, đồng thời được nhìn nhận như vị cứu tinh đối với thị trường chứng khoán Mỹ đang chìm đắm trong hoang mang bởi những dấu hiệu không mấy khả quan của nền kinh tế. Sự tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính trong phiên giao dịch ngày 15-7 đã đưa Phố Wall thoát hiểm trong phút chót.

Dường như cơn giông tố gian lận khiến Goldman Sachs khốn đốn vì lâm vào vòng kiện cáo đã lắng dịu. Song vụ việc đã đem lại một bài học lớn cho các công ty trên thị trường tài chính Mỹ. Đó là, việc vi phạm những nguyên tắc cơ bản của giao dịch công bằng và minh bạch sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với túi tiền và hình ảnh của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cú lừa mang tên Goldman Sachs

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.