Mức thuế 25% mà Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với tất cả hàng nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến các đồng minh của nước này, nhưng cốt lõi của chính sách này là nhắm vào đối thủ lâu năm: Trung Quốc.
Theo kênh CNN, ngày 10-2 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Phát biểu tại Phòng Bầu dục khi ký sắc lệnh, ông Trump khẳng định: “Hôm nay, tôi đã đơn giản hóa khoản thuế của chúng ta đối với thép và nhôm. Mức thuế là 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ”.
Theo tờ The New York Times, 5 nhà cung cấp thép hàng đầu cho thị trường Mỹ trong tháng 1 gồm Canada, tiếp theo là Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Đức. Canada cũng dẫn đầu về xuất khẩu nhôm sang Mỹ, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nga và Trung Quốc xếp sau.
Trung Quốc thống trị ngành thép toàn cầu
Trung Quốc không xuất khẩu nhiều thép hay nhôm trực tiếp sang Mỹ. Một loạt tổng thống Mỹ trước đây đã áp đặt nhiều mức thuế đối với thép Trung Quốc. Gần đây, thuế quan đối với nhôm Trung Quốc cũng tăng. Vào tháng 9-2024, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden đã tăng thuế lên nhiều sản phẩm thép và nhôm Trung Quốc lên tới 25%.
Tuy nhiên, Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp thép và nhôm toàn cầu. Các nhà máy hiện đại quy mô lớn của nước này mỗi năm sản xuất lượng thép và nhôm ngang bằng hoặc nhiều hơn tổng sản lượng của phần còn lại của thế giới cộng lại. Phần lớn sản lượng này được sử dụng trong nước để xây dựng các tòa nhà cao tầng, tàu biển, sản xuất máy giặt và ô tô.
Dù vậy, gần đây, xuất khẩu thép và nhôm của Trung Quốc đang gia tăng do nền kinh tế nước này gặp khó khăn nên nhu cầu trong nước suy giảm. Nhiều sản phẩm xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc đã vào các đồng minh của Mỹ như Canada và Mexico. Những nước này sau đó xuất khẩu một phần đáng kể sản lượng thép đắt đỏ hơn của mình sang Mỹ. Một số mặt hàng kim loại Trung Quốc cũng được xuất khẩu sang các nước đang phát triển.
Xuất khẩu gia tăng của Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất và nghiệp đoàn lao động Mỹ bất bình.
Ông Michael Wessel, cố vấn thương mại lâu năm của Nghiệp đoàn Thép Mỹ, nói: “Việc Trung Quốc sản xuất dư thừa đang làm tràn ngập thị trường thế giới và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất và công nhân Mỹ”.
Kế hoạch áp thuế này được đưa ra một tuần sau khi ông Trump áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuần trước, Trung Quốc thông báo áp thuế trả đũa đối với khí tự nhiên hóa lỏng, than đá, máy móc nông nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10-2.
Tình trạng dư thừa thép của Trung Quốc bắt nguồn từ xu hướng bùng nổ xây dựng nhà máy thép bắt đầu vào đầu những năm 1990 và kéo dài khoảng 15 năm.
Kể từ những năm 1940, chưa có quốc gia nào thống trị ngành thép toàn cầu như Trung Quốc hiện nay. Khi đó, Mỹ sản xuất một nửa lượng thép toàn cầu, nhưng tỷ lệ này hiện đã giảm xuống dưới 5%.
Trong nhiều năm, ngành xây dựng của Trung Quốc sử dụng khối lượng thép khổng lồ. Cơn sốt xây dựng đã tạo ra nguồn cung nhà ở dồi dào cho 1,4 tỷ dân của nước này và thừa đủ căn hộ cho thêm 300 triệu người nữa.
Tình trạng dư thừa căn hộ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và sự đình trệ đột ngột trong xây dựng. Để tránh phải đóng cửa, các nhà máy thép Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu thép ra thế giới với giá ngày càng thấp trong vài năm qua, khiến giá thép toàn cầu sụt giảm.
Giá giảm đã gây tổn hại cho ngành công nghiệp thép Mỹ, một lực lượng chính trị có ảnh hưởng tại các khu vực bầu cử quan trọng. Nghiệp đoàn Thép Mỹ có trụ sở tại Pittsburgh, trung tâm của ngành thép lâu đời ở bang Pennsylvania, một bang có vai trò then chốt trong các cuộc bầu cử tổng thống gần đây. Tập đoàn U.S. Steel, biểu tượng của ngành thép Mỹ từng hùng mạnh, cũng có trụ sở tại Pennsylvania.
Phản ứng nhằm vào ngành thép Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Mỹ. Brazil, Canada, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã tăng mạnh thuế quan đối với thép Trung Quốc trong năm qua.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp mức thuế bổ sung 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Sau đó, ông miễn trừ cho các nước sản xuất thép lớn như Hàn Quốc, Australia và Brazil để đổi lấy việc họ đặt hạn ngạch xuất khẩu thép sang Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, ông vẫn giữ nguyên thuế quan đối với Trung Quốc.
Các biện pháp bảo hộ thương mại này đã giúp ngành công nghiệp thép Mỹ, vốn đã tăng công suất khoảng 20% trong sáu năm qua, xây dựng thêm các nhà máy thép hiện đại. Trong khi đó, các nhà máy cũ, kém hiệu quả hơn bắt đầu hoạt động dưới công suất tối đa.
Theo Viện Sắt và Thép Mỹ, một hiệp hội ngành có trụ sở tại Washington, tính đến tuần cuối tháng 1, các nhà máy thép Mỹ hoạt động với 74,4% công suất.
Phản ứng của các bên
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận nhiều về kế hoạch của Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 10-2. Người phát ngôn bộ này, ông Guo Jiakun, chỉ nói: “Tôi xin nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bảo hộ không mang lại kết quả. Các cuộc chiến thương mại và thuế quan không có người chiến thắng”.
Trong khi đó, chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Francois-Philippe Champagne, Bộ trưởng Đổi mới sáng tạo Canada, cho biết thép và nhôm của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp chính tại Mỹ từ quốc phòng, đóng tàu đến ô tô. ông Champagne nhấn mạnh: "Điều này giúp Bắc Mỹ cạnh tranh và an toàn hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ Canada, người lao động và các ngành công nghiệp của chúng tôi".
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok cũng đã gặp Bộ trưởng Công nghiệp và các quan chức cấp cao khác của Hàn Quốc để đánh giá tình hình và đưa ra phản ứng trước khả năng tăng thuế nhập khẩu của Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.