(HNM) - Trái với những dự báo của các chuyên gia kinh tế và của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương), CPI tháng 3 chỉ tăng nhẹ 0,16% so với tháng 2. Việc CPI đột ngột
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, CPI tháng 3 tăng thấp là do nhóm lương thực, thực phẩm (nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 40% trong rổ hàng hóa tính CPI) đã giảm giá mạnh. Thực hiện mục tiêu kiềm chế CPI cả năm nay ở mức một con số vẫn là một thách thức lớn.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng nhẹ được đánh giá là bất ngờ.Ảnh: Trần Thanh Hải
Thực phẩm giảm giá kéo CPI "hạ nhiệt"
Thời điểm hiện nay, giá lương thực trên thị trường đã giảm 1,21% so với tháng 2 do xuất khẩu gạo không được thuận lợi. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ thu đông với năng suất khá cao, nên giá lúa gạo loại thường có chiều hướng giảm. Chung đà giảm giá, thực phẩm giảm 1,25% trong tháng 3 do nhu cầu tiêu dùng giảm và sản lượng dồi dào. Cụ thể, giá thực phẩm tươi sống giảm 2,43%, trong đó thịt lợn giảm 2,79%, thịt bò giảm 0,65%, thịt gà giảm 1,82%. Thông tin về thịt lợn có chất tạo nạc gây ảnh hưởng tới sức khỏe khiến người dân giảm tiêu thụ mặt hàng này nên giá bán mặt hàng này giảm mạnh. Giá rau củ quả trong tháng 3 cũng giảm tới 2,99% nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu gần 10% so với mức giá cũ ngày 7-3 vừa qua chỉ khiến CPI tháng 3 tăng thêm khoảng 0,08% do tỷ trọng của nhóm này trong rổ hàng hóa chung không cao. Thêm vào đó, do kỳ chốt giá tính CPI là ngày 15 hằng tháng, nên tác động tăng giá xăng dầu chưa được phản ánh hết trong CPI tháng 3. Nhóm có mức tăng lớn nhất trong tháng là nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 2,31%) cũng chỉ khiến CPI tháng 3 tăng thêm 0,23%.
Trước đó, với các diễn biến tăng giá gas, xăng dầu và một số hàng hóa khác, tổ điều hành thị trường trong nước đã dự báo CPI tháng 3 tăng khoảng 0,4-0,5%. Một số chuyên gia kinh tế độc lập thậm chí đưa ra mức tăng CPI tháng 3 lên tới 0,8-1%. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan đã khiến CPI tháng 3 chỉ biến động đôi chút, giúp chỉ số giá cả quý I-2012 dừng ở mức tăng 2,55%.
Khó khăn vẫn ở phía trước
Báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, trong tháng 3, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Đức đã phát đi những thông tin tích cực về khả năng phục hồi đà tăng trưởng. Tiến triển trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng euro và Hy Lạp đã khiến thị trường nguyên, nhiên liệu trên thế giới sôi động trở lại. Những thông tin này sẽ khiến giá nhiều mặt hàng thiết yếu như: gạo, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, thức ăn chăn nuôi, giấy… điều chỉnh tăng. Như vậy, giá nguyên, nhiên liệu thiết yếu tại thị trường trong nước sẽ có xu hướng tăng tương ứng với giá thế giới trong thời gian tới.
CPI tháng 4 dự kiến sẽ đón nhận những tác động rõ nét từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu thêm 10% ngày 7-3 vừa qua. Hàng loạt giá dịch vụ tăng mạnh do tác động từ việc tăng giá xăng, dầu sẽ ảnh hưởng đáng kể làm tăng CPI tháng 4. Chưa tính đến quy luật giá tiêu dùng thường tăng mạnh dịp cuối năm, việc kiềm chế CPI cả năm nay ở mức một con số vẫn tiếp tục là một thách thức lớn với cơ quan quản lý giá và các ngành chức năng.
Để hạn chế việc tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi… trong quý , Bộ Tài chính đã chỉ đạo các địa phương thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá với cơ sở kinh doanh gas. Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra yếu tố hình thành giá của một số mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan vừa đưa mặt hàng sữa bột nhập khẩu vào danh mục kiểm soát đặc biệt về giá; đồng thời chỉ đạo hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra sau thông quan với mặt hàng sữa bột nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, nhiều đoàn thanh tra giá sẽ được Bộ tổ chức nhằm hạn chế tình trạng tăng giá theo dây chuyền sau khi giá xăng, dầu điều chỉnh tăng... Với nỗ lực của các ngành chức năng, dự kiến CPI quý II và những tháng cuối năm sẽ được kiềm chế ở mức phù hợp, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi đà tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.