(HNM) - Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động
Người tiêu dùng chọn mua nông sản trong siêu thị. Ảnh: Bá Hoạt |
Mới đây, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Bình tổ chức "Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, thực phẩm, thủy - hải sản của tỉnh Thái Bình vào thị trường Hà Nội" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), chủ trang trại, nông dân Thái Bình tìm được "đầu ra" ổn định. Tại chương trình, các DN của tỉnh Thái Bình đã giới thiệu một số sản phẩm như gạo, cá vược, gia cầm và trứng gia cầm, thanh long ruột tím, ngao, nấm, bánh đa… đến đại diện Tổng công ty CP Nhất Nam cùng một số trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng Hà Nội và được đánh giá cao về chất lượng. Hai bên đã trao đổi cụ thể về mô hình sản xuất, chăn nuôi, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng, công tác đóng gói, nhãn mác, bao bì bảo đảm tính thẩm mỹ, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả, phương thức thanh toán… để tăng tính cạnh tranh và giúp người tiêu dùng (NTD) dễ dàng nhận biết, lựa chọn. Kết thúc buổi làm việc, Tổng công ty CP Nhất Nam đã ký biên bản thỏa thuận tiêu thụ một số mặt hàng của Thái Bình theo hệ thống nhà hàng và 21 siêu thị Fivimart của đơn vị.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đã làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. Theo kế hoạch, Công ty CP Phân phối Hapro làm đầu mối trực tiếp ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm, sau đó phân phối cho các đơn vị trong và ngoài hệ thống của Hapro trên toàn quốc. Vải thiều Thanh Hà sẽ được phân phối theo hệ thống hàng trăm cửa hàng, siêu thị, đại lý bán lẻ trên cả nước của gần 20 công ty thành viên, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội với ít nhất 100 điểm bán hàng. Ngoài ra, một số đơn vị tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước đã cam kết sẽ tiêu thụ số lượng lớn.
Hệ thống siêu thị Big C cũng là một trong những DN phân phối tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" bằng cách hỗ trợ nông dân các tỉnh đưa hàng vào bán tại hệ thống trên toàn quốc. Từ giữa năm 2008 đến nay, Big C đã hợp tác thành công trong việc quảng bá thương hiệu cho hơn 30 công ty các địa phương, chủ yếu ở lĩnh vực nông sản, may mặc, thực phẩm… ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Được biết, bình quân mỗi tháng có khoảng 1.400 tấn rau, củ các loại của nông dân, DN vừa và nhỏ tại Đà Lạt, Đồng bằng sông Cửu Long, Buôn Ma Thuột… được đưa tới NTD qua hệ thống siêu thị Big C. Ngoài Big C, Hapro, Metro Cash&Carry… hệ thống siêu thị Co.opmart cũng nỗ lực thực hiện vai trò cầu nối NTD với hàng Việt Nam chất lượng cao thay vì hàng ngoại nhập. Để các nhà vườn sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (DN quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart) đã cử cán bộ thường xuyên cung cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thông tin về nhu cầu của NTD, cũng như xây dựng kế hoạch hợp tác đầu tư, ứng vốn sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản bảo đảm số lượng, chất lượng theo nhu cầu của đơn vị. Tại hệ thống Co.opmart, mỗi ngày có hơn 40 tấn rau, củ và 50 tấn trái cây được tiêu thụ, trong đó 70% nông sản được thu mua từ Lâm Đồng, số còn lại từ các địa phương khác.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nông sản sạch của NTD rất cao. Tuy nhiên, để đưa các mặt hàng nông sản, đặc sản đến với NTD qua hệ thống siêu thị thành công, điều cốt yếu là chất lượng sản phẩm. Theo Sở Công thương Hà Nội, vào được siêu thị đã khó, duy trì vị trí ở siêu thị còn khó hơn, vì muốn vào được kênh phân phối này, hàng hóa phải bảo đảm những tiêu chuẩn nhất định, trong đó quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, một trong những điểm yếu nhất của DN sản xuất là không bảo đảm được hàng hóa khi nhu cầu tăng lên. Vì vậy, DN cần chủ động sản xuất để sẵn sàng cung ứng khi nhu cầu tăng lên bằng cách liên kết với các DN khác, chủ động nguyên liệu… Làm được như vậy, hàng hóa mới có thể "bám rễ" ở siêu thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.