(HNM) - Các cuộc giới thiệu, tọa đàm nhân ra mắt tác phẩm mới những năm vừa qua không còn xa lạ với bạn đọc. Đáng mừng là dù quy mô khá nhỏ nhưng không khí trao đổi mang tính học thuật hoặc những chia sẻ thẳng thắn của người tham dự cũng ngày một nhiều hơn. Không chỉ rặt có lời khen, nhiều vấn đề trong tác phẩm được xới xáo, bàn thảo, thậm chí là tranh luận ngay tại "trận", ít đi tính kịch bản khô cứng.
Buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết "Nhắm mắt nhìn trời" của nhà văn áo lính Nguyễn Xuân Thủy là một ví dụ. Nhiều ý kiến, tham luận chia sẻ, ghi nhận tác phẩm ở góc độ phản ánh hiện thực một cách trực diện, ngôn ngữ phản ánh sinh động, gần gũi với đời sống… Song không chỉ khuyến khích tác giả, ngợi ca tác phẩm, các nhà văn, nhà phê bình cũng xới lên câu hỏi về việc nên sử dụng, khai thác thế nào những khái niệm, câu chuyện có tính "thô tục", nhân nói về nhân vật Nhợn và nghề chuyên buôn phân người của Nhợn được tác giả đề cập bằng một từ trực diện nhất, cũng như dành dung lượng lớn để đi sâu phân tích, liên tưởng trong tác phẩm này. Có ý kiến "phê" tác phẩm nói quá nhiều chuyện "phân gio", e rằng sẽ mang lại cảm giác quá ngưỡng với bạn đọc. Ý kiến khác cho rằng liều lượng và cách thức sử dụng những từ ngữ hoặc vấn đề có tính nhạy cảm trong văn chương phụ thuộc vào dụng ý tác giả, cũng như ý đồ của tác phẩm. Có một cuộc tự vấn, tự nhận thức trong mỗi người nghe khi liên tưởng tới hàng loạt tác phẩm văn học viết, văn học dịch khác trong thời gian gần đây từng "vấp" phải dư luận khi sử dụng ngôn ngữ "nguyên chất" trong đời sống. Không chỉ có vậy, nhiều góc độ khác của tác phẩm cũng được mổ xẻ trong những cuộc tọa đàm thiết thực. Như buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết "Cửa hiệu giặt là" của Đỗ Bích Thúy, bạn đọc thắc mắc: vẻ như hàng loạt nhân vật trong tác phẩm đều là nhân vật chính, nó khác với mô-týp thông thường là phải có chính, có phụ rõ ràng…
Ngay bản thân nhà văn cũng đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến, chia sẻ quan điểm sáng tạo của mình. Diễn đàn thực sự được mở rộng hơn, nói chuyện tác phẩm nhưng lại đẩy sâu thành câu chuyện chung của văn chương hôm nay. Bạn đọc, bạn văn… đều thấy ngồi nghe là không phí thời gian.
Lại nhớ đến nhiều hội thảo văn học hoành tráng nhưng tính chung chung lại lấn át tính vấn đề. Càng nghe càng thấy mông lung, xa vời… Rốt cuộc, cái thiết thực, hữu ích không đọng lại được nơi người nghe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.