(HNM) - Ngày 23-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đây là giám đốc sở trẻ nhất ở Quảng Nam và cả nước đến nay, khi mới 30 tuổi.
Trước đó, ngày 25-8, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã trao quyết định cho ông Lê Trương Hải Hiếu giữ chức Chủ tịch UBND Quận 12 kiêm Phó Bí thư Quận ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Lê Trương Hải Hiếu là cán bộ trẻ thế hệ 8x, từng được thử thách qua nhiều công việc. Việc bổ nhiệm hai vị cán bộ trẻ vào các vị trí quan trọng thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày vừa qua.
Có nhiều câu hỏi đặt ra như: Liệu những người trẻ này có khả năng đảm nhận nhiệm vụ hay không? Con đường thăng tiến như vậy có quá nhanh không? Việc bổ nhiệm có thực hiện đúng các quy định hay không? Nhiều câu hỏi từ phía dư luận cần được làm rõ. Trước hết, có thể nói, dư luận có quyền được thông tin và đương nhiên cơ quan chức năng cần có câu trả lời. Nếu việc bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thủ tục quy định rõ ràng không có gì phải bàn. Còn chuyện thăng tiến nhanh hay chậm là vấn đề khác. Hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Thăng tiến thế nào là "nhanh", thế nào là "chậm"? Với những người mười mấy năm trong nghề, ngồi ghế cán bộ phòng ban một cơ quan cấp sở ở cái tuổi "tứ thập nhi bất hoặc" có thể gọi là cán bộ trẻ? Có lẽ cái gọi là "trẻ" ấy chỉ trong nhìn nhận của số ít người.
Người xưa nói: Tài không đợi tuổi. Vấn đề là những người trẻ đang được cất nhắc trọng dụng ấy thật sự có tài năng hay không? Có đảm đương được trọng trách hay không? Bằng cấp chưa hẳn đã thể hiện tài năng, đánh giá tài năng trước hết là khả năng đáp ứng công việc trên thực tế. Nếu những người trẻ, giàu nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm, được giao trọng trách phù hợp với tài năng, nói cách khác là phù hợp với vị trí công việc để phát huy tài năng, họ sẽ thành công, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội. Và ngược lại... Như vậy, với những người trẻ được bổ nhiệm, được giao trọng trách thì vấn đề ở chỗ, họ thật sự có tài và sử dụng thế nào để phát huy năng lực của họ.
Thực tế nhiều nơi, nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự tin tưởng cán bộ trẻ, chưa khách quan trong đánh giá năng lực cán bộ trẻ. Nhiều người không đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng luôn cho rằng người trẻ không bằng mình. Nhưng cũng có tình trạng đề bạt ồ ạt cán bộ trẻ, trong đó có không ít người không đủ năng lực, phẩm chất. Và cũng có không ít trường hợp đề bạt cán bộ theo thành phần xuất thân như nhân gian vẫn nói "con cháu các cụ cả"... Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận thấy "mắt xanh" của những nhà tổ chức có vai trò đặc biệt quan trọng. Cùng với đó là những yêu cầu không thể thiếu với cán bộ trẻ như: Bản lĩnh chính trị, tầm nhìn và năng lực tư duy chiến lược, khả năng thích ứng và ứng phó với sự thay đổi, với mọi sức ép của công việc...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Con cháu mình là ai? Con cháu mình là tất cả, là thanh niên Việt Nam. Chứ không phải như thời phong kiến: Cha làm quan, con là cậu ấm. Con mình xấu thì đề bạt sao được... Rõ ràng, vấn đề là thực tài chứ không thể "con vua thì lại làm vua". Và như trên đã nói, "tài không đợi tuổi", điều quan trọng là phát hiện, đánh giá, đào tạo, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, tháo vát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.