(HNM) - Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24), diễn ra tại Ba Lan từ ngày 2 đến 14-12 là cơ hội để các quốc gia biến cam kết thành những hành động cụ thể vì một “hành tinh xanh”.
COP 24 diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày càng phải chứng kiến nhiều sự khắc nghiệt của các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự thiếu thiện chí của một số quốc gia trong nỗ lực chung tay chống biến đổi khí hậu. Dưới khẩu hiệu “Cùng thay đổi”, đại diện từ 200 quốc gia trên thế giới đã tụ họp tại TP Katowice (Ba Lan) kỳ vọng hội nghị lần này sẽ vượt qua những chia rẽ chính trị, thúc đẩy sự đồng thuận nhằm hiện thực hóa lộ trình Thỏa thuận Paris 2015 hướng tới các nền kinh tế phi carbon.
Các đại biểu tham dự Hội nghị COP 24 tại Katowice (Ba Lan). |
Cách đây 3 năm, tại thủ đô Paris của nước Pháp, các nước đã cam kết nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu đến năm 2100 ở ngưỡng 2 độ C và an toàn hơn là xuống còn 1,5 độ C. Các quốc gia giàu có cũng cam kết đóng góp 100 tỷ USD/năm tới năm 2020, để giúp các nước đang phát triển đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, cho tới nay, thế giới vẫn phải chứng kiến hàng loạt thiên tai, thảm họa như: Cháy rừng, nóng kéo dài và những cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn đi kèm với mực nước biển dâng.
Trong báo cáo công bố trước thềm COP 24, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, năm 2018 tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ cao. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 tháng vừa qua đã cao hơn gần 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thủ phạm chính gây tình trạng ấm lên toàn cầu cũng đang ở mức cao kỷ lục. Báo cáo hằng năm của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chỉ rõ, sau ba năm giảm liên tiếp, lượng "khí nhà kính" thải ra môi trường năm 2017 tăng lên mốc kỷ lục mới là 53,5 tỷ tấn. Nếu duy trì đà tăng này, đến năm 2030, lượng khí thải làm trái đất ấm lên có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết. Liên hợp quốc ước tính, các chính sách hiện tại trên thế giới chỉ có thể giúp giảm khoảng 6 tỷ tấn khí nhà kính phát thải trước năm 2030. Ðể mục tiêu của Thỏa thuận Paris không vượt quá tầm với, các quốc gia phải nỗ lực gấp ba hoặc năm lần hiện nay mới có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Quan trọng hơn, số tiền huy động được từ "quỹ 100 tỷ USD/năm" hiện mới chỉ dừng lại ở con số 10 tỷ USD.
Thực trạng trên đã gia tăng sức ép lên COP 24, bởi đây là cơ hội cuối cùng để Liên hợp quốc và các quốc gia cho ra đời một chương trình nghị sự cụ thể nhằm hiện thực hóa các cam kết trong Thỏa thuận Paris. Hai nhiệm vụ chính của COP 24 là nhất trí về “sách quy tắc”, với lộ trình chi tiết hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải khí nhà kính; đưa ra cam kết chính trị và kế hoạch hành động rõ ràng cho mục tiêu chung vào năm 2020, thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris. Để có được chương trình nghị sự như vậy không dễ dàng, đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác thực chất giữa các quốc gia, nhất là khi còn nhiều bất đồng liên quan giai đoạn chuyển tiếp từ “cắt giảm tự nguyện” sang “cắt giảm bắt buộc” đối với các nước đang phát triển.
Theo các nhà phân tích, cuộc chạy đua khốc liệt với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, buộc thế giới phải tìm cách để chiến thắng. Các cuộc thảo luận tại COP 24 lần này được xem là cơ hội để kêu gọi các nước có ngay những hành động quyết đoán nhằm giải quyết những mối đe dọa cấp bách, đồng thời tạo nền tảng chung cho hầu hết các quốc gia trên thế giới, vì một "hành tinh xanh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.