(HNM) - Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu trong lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý TP Hà Nội năm 2018 (lớp thứ nhất). Ảnh: Bá Hoạt |
Trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Người cũng cho rằng: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng", "Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu".
Luôn coi đào tạo, bồi dưỡng, “huấn luyện” cán bộ là việc làm quan trọng, quyết định sự thành, bại của cách mạng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dày công xây dựng được nhiều thế hệ cán bộ trung thành với Tổ quốc và nhân dân, lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, giành được những thắng lợi to lớn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt. Trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ được nâng lên đáng kể, đa số cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao… Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng dân chủ và bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.
Đảng ta đã triển khai một số nội dung như: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và cơ quan dân cử, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước ngay sau Đại hội Đảng, tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp và bổ sung, cập nhật kiến thức mới theo chức danh cho phù hợp với từng đối tượng cán bộ.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng không mạnh; không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp dạy và học, chưa thực sự gắn lý luận với thực tiễn...
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Trung ương yêu cầu, cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số…
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trở thành thường xuyên
Cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới, cuối tháng 8 vừa qua, hai lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng khóa XII đã được tổ chức. Song song với đó, Trung ương cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương (hiện đã tổ chức được 2 lớp của năm 2018). Qua đó giúp các học viên có thêm cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Chính phủ liêm chính và hành động; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và cán bộ chủ chốt, những đồng chí trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở các ngành, địa phương, đơn vị.
Từ mô hình, cách tổ chức lớp học sẽ là kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ ở các địa phương, đơn vị. Kết quả của lớp học khẳng định đào tạo bồi dưỡng và huấn luyện cán bộ là một nhiệm vụ rất quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, nền nếp, có hệ thống.
Tại TP Hà Nội, vào trung tuần tháng 6-2018, lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã được tổ chức với sự tham gia của 144 học viên. Đây là lớp đầu tiên trong chương trình đào tạo theo Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”. Từ ngày 14-9 đến hết tháng 9, TP Hà Nội sẽ tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm của thành phố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, theo Đề án số 04-ĐA/TU, đội ngũ cán bộ của thành phố phải có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu và cập nhật kịp thời những thông tin, kiến thức mới của nhân loại, có kỹ năng và phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Từ thành công của lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, các quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy đã và đang tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quy hoạch ban chấp hành cấp mình, qua đó đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của Thủ đô trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.